“Nói khuyết điểm là tự nhận non kém”
Lâu nay, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm. Công tác này đã được các cấp ủy quan tâm thực hiện. Đơn cử, hàng năm Ban Thường vụ Quận ủy quận 8 xây dựng và tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc công tác kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên.
Trong điểm kiểm, Quận ủy quận 8 thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; đánh giá đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả.
Theo Ban Thường vụ Quận ủy quận 8, công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả thực chất hơn.
Tương tự, Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM cũng khẳng định chú trọng vào tổ chức kiểm điểm đánh giá, xếp loại tập thể và cá nhân, nhất là với cán bộ lãnh đạo quản lý theo đúng quy định. Đồng thời thực hiện tự phê bình và phê bình thẳng thắn. Dù vậy, công tác này vẫn còn một số tồn tại.
tổ chức
Tự phê bình và phê bình là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến quyền lợi của từng cá nhân, tổ chức. Cũng vì tâm lý thích được khen hơn bị chê nên có cán bộ, đảng viên cho rằng tự nói ra khuyết điểm, tự nhận thấy khuyết điểm là tự thừa nhận non kém. Ngoài ra, khi phê bình thì có tư tưởng cấp dưới không dám phê cấp trên; người ít tuổi không dám phê người cao tuổi. Điều này dẫn đến sự cả nể cũng như tình trạng “dĩ hòa vi quý” trong tự phê bình và phê bình.
Thực tế cho thấy, đánh giá cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM thẳng thắn nhìn nhận, công tác đánh giá cán bộ còn không ít tồn tại, hạn chế như đánh giá có mặt chưa sát thực tế và còn nể nang, hình thức.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh, việc đánh giá đúng năng lực, phẩm chất cán bộ là cơ sở quan trọng giúp việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí cán bộ... đảm bảo chính xác, khách quan. Ngược lại, nếu nhận xét, đánh giá chủ quan, không đầy đủ, chính xác về phẩm chất, năng lực cán bộ sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng và có thể gây hậu quả khôn lường, nhất là với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Vì vậy, những tồn tại, hạn chế đã nhận diện cần phải được tập trung khắc phục.
Có căn cứ đánh giá và phê, tự phê
Theo đồng chí Võ Văn Tân, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, để góp phần khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có kết luận về việc thực hiện bản đăng ký của cán bộ, đảng viên. Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM vừa có hướng dẫn, đề nghị Thành ủy TP Thủ Đức, quận ủy, huyện ủy và đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy TPHCM triển khai thực hiện bản đăng ký hàng năm.
Theo đó, cán bộ đảng viên đương chức hay về hưu đều phải thực hiện bản đăng ký. Các đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc; đảng viên là cán bộ đang giữ các chức vụ trong Đảng, chính quyền, đoàn thể (gọi tắt là cán bộ đương chức) hoặc đảng viên không giữ các chức vụ trong Đảng, chính quyền, đoàn thể, đang sinh hoạt đảng tại các chi bộ khu phố, ấp (gọi tắt là cán bộ hưu trí) hay cán bộ, đảng viên khi được giới thiệu để bổ nhiệm hoặc ứng cử vào các chức danh đều phải thực hiện bản đăng ký (theo mẫu riêng).
Đối với cán bộ đương chức, cán bộ hưu trí thì căn cứ vào kết quả kiểm điểm, đánh giá cán bộ, đảng viên của năm trước, chương trình, kế hoạch công tác trong năm của chi bộ và nhiệm vụ được phân công để thực hiện bản đăng ký. Sau đó, từng cán bộ, đảng viên phải báo cáo bản đăng ký tại buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ vào tháng tiếp theo (sau kỳ triển khai công tác năm của chi bộ). Chi bộ sẽ thảo luận và thông qua bản đăng ký của từng cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, cuối năm, cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm việc thực hiện bản đăng ký gắn với việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên; chi bộ đánh giá kết quả. Đây sẽ là cơ sở để xếp loại đảng viên hàng năm.
Theo Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, yêu cầu thực hiện bản đăng ký sẽ bắt đầu từ năm 2021. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phân tích, bản đăng ký chương trình hành động sẽ là căn cứ để đối chiếu với kết quả hoàn thành công việc. Qua đó, bản thân từng cán bộ, đảng viên khi tự phê bình sẽ khó thể “giấu” đi hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Người phê bình sẽ mạnh dạn nêu ý kiến, nhận xét hơn vì đã có căn cứ định lượng. Điều này góp phần quan trọng vào việc đảm bảo công tác tự phê bình, phê bình, đánh giá cán bộ, đảng viên thực chất hơn.
Từ cuối năm 2020, bản đăng ký chương trình hành động cá nhân đã được thực hiện tại TPHCM. Các đồng chí Lê Hòa Bình, Phan Thị Thắng khi được UBND TPHCM giới thiệu để HĐND TPHCM (tháng 12-2020) bầu làm Phó Chủ tịch UBND TPHCM đều trình bày chương trình hành động trước khi đại biểu HĐND TPHCM bỏ phiếu. Tương tự, ứng viên được giới thiệu vào các chức danh chủ chốt của TP Thủ Đức như Bí thư Thành ủy, các Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức… đều xây dựng chương trình hành động cá nhân. Theo Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, từ năm 2021 trở đi, cán bộ, đảng viên khi được bổ nhiệm các chức danh phải trình bày bản đăng ký tại lễ công bố quyết định. Trường hợp được giới thiệu ứng cử các chức danh thì cán bộ, đảng viên trình bày bản đăng ký tại hội nghị của tập thể có thẩm quyền bầu. Bản đăng ký này sẽ có trong thành phần hồ sơ của cán bộ, đảng viên được bổ nhiệm hoặc giới thiệu. Nếu là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quản lý; cán bộ được bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử vào chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thì phải nộp bản đăng ký trong hồ sơ trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM xem xét. |