Thời cơ
Với mục đích không chỉ tạo cú sốc lớn đối với chính quyền và quân đội Sài Gòn mà còn làm chấn động nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta luôn nỗ lực tạo, nắm bắt và lựa chọn thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương, chiến lược tiến công và nổi dậy, tạo bước ngoặt quyết định.
Trong đó, việc chọn thời cơ là vấn đề đặc biệt quan trọng. Đảng ta đã chọn năm 1968 - năm bầu cử tổng thống Mỹ. Đây là giai đoạn nước Mỹ rất nhạy cảm về chính trị. Hơn nữa, vào thời điểm này, sau 3 năm đưa quân viễn chinh tham chiến ở Việt Nam, mục tiêu “bẻ gãy xương sống Việt cộng” đã phá sản sau những thất bại vào mùa khô 1965-1966, 1966-1967; và hành động leo thang đánh phá miền Bắc.
Có thể nói, những cố gắng của Mỹ đã gần đến đỉnh điểm. Tính đến tháng 12-1967, Mỹ huy động vào cuộc chiến gần nửa triệu quân. Lực lượng dự bị dành cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” được sử dụng hết, thậm chí phải huy động một phần dự trữ dành cho chiến lược toàn cầu. Chi phí cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tính đến năm 1968 đã lên tới gần 70 tỷ USD - gấp 3 lần cuộc chiến tranh Triều Tiên. Gánh nặng này ảnh hưởng nặng nề đến Mỹ về kinh tế - xã hội và cả về chiến lược toàn cầu, khiến Quốc hội Mỹ phân hóa sâu sắc. Năm 1968 hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi, cả về quân sự lẫn chính trị, giúp ta giành thắng lợi lớn. Thời cơ này được tạo ra và nắm bắt đúng lúc, không sớm, cũng không muộn.
Trong khi đó, mặc dù vẫn còn một số hạn chế (bổ sung lực lượng, khả năng tiêu diệt những đơn vị lớn của Mỹ…) nhưng các đơn vị của ta có thể thực hành tác chiến và giành thắng lợi cả về mặt chiến lược và chiến thuật. Các lực lượng có những tiến bộ vượt bậc, vận dụng thành công những phương thức tác chiến độc đáo và linh hoạt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ta mở rộng quyền làm chủ trên nhiều mặt trận.
Từ những phân tích trên, Đảng ta khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn”, cho phép chúng ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định.
Táo bạo, bất ngờ
Sau khi xác định thời cơ, ta thiết lập hình thức và phương thức tiến công địch. Trong điều kiện địch còn hơn 1 triệu quân với tiềm lực chiến tranh dồi dào nên để giành thắng lợi quyết định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cân nhắc rất kỹ việc chọn hình thức, phương pháp tiến công phù hợp. Yếu tố bí mật, bất ngờ đã làm cho Mỹ, chính quyền Sài Gòn bị động, phân tán lực lượng đối phó và không phát huy được sức mạnh vũ khí, trang bị vượt trội. Quân ta chủ động tiến công vào nơi địch không phòng bị, vào thời điểm tết, nơi địch không ngờ nhất. Tiến công vào các mục tiêu này đã tác động nhanh chóng, sâu sắc về chính trị và quân sự, gây nên đột biến trong đối sách chiến lược cũng như cục diện chung của chiến tranh ở miền Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 khiến địch bất ngờ về chiến lược, chiến thuật và mục tiêu, cũng như thời điểm tiến công. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh mở màn trước cuộc tổng tiến công 10 ngày đã làm Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn phán đoán sẽ có một “Điện Biên Phủ” tại Khe Sanh. Khi quân Mỹ, quân đội Sài Gòn tập trung dồn chủ lực đối phó ở Khe Sanh, đêm 30, rạng sáng ngày 31-1-1968, quân ta đồng loạt tiến công trên toàn miền Nam. Cuộc tiến công và nổi dậy là cách đánh chưa từng diễn ra. Chiến dịch của ta khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn không hề nghĩ tới, cũng không thể nghĩ tới. Đó là sự sáng tạo trong phương châm đánh địch cả “3 vùng chiến lược”.
Nếu không có 3 vùng chiến lược được xây dựng từ nhiều năm trước với những cơ sở vững mạnh và quần chúng thì không thể có chiến tranh ở thành thị, nhất là ở những thành phố trọng điểm: Sài Gòn - Huế - Đà Nẵng. Đánh vào đây là đánh vào các cơ quan đầu não, trung tâm chỉ huy, đánh vào sinh lực cao nhất của địch, chỗ hiểm yếu, dễ chấn động và nhạy cảm nhất của chúng. Như vậy, chủ trương giáng đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán chính là chủ trương “biết thắng Mỹ” vừa với sức ta, mở ra một giai đoạn mới “vừa đánh vừa đàm”, phù hợp với truyền thống quân sự của dân tộc. Mậu Thân 1968 đã trở thành một trận quyết chiến chiến lược, làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến. Đây thực sự là sáng tạo độc đáo của Đảng ta về nghệ thuật lựa chọn hình thức và phương thức tiến công địch.
Trong chiến dịch, ta chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu táo bạo, bất ngờ. Đây là lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta đưa chiến tranh vào đô thị, đánh đòn hiểm xuống cơ quan đầu não của kẻ thù. Các khu vực trọng yếu trong đô thị đều bị quân giải phóng tiến công và làm chủ. Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Kennedy phải thốt lên: “Tại sao nửa triệu lính Mỹ có 70 vạn lính Việt Nam cộng tác, có ưu thế hoàn toàn trên không và ngoài biển, được cung cấp đầy đủ và trang bị những vũ khí hiện đại nhất, lại không có khả năng bảo vệ thành phố bị đối phương tấn công?”.
Với việc lựa chọn hướng và mục tiêu tiến công, tìm ra cách đánh tối ưu nhằm tạo hiệu lực chiến lược trên cơ sở tương quan lực lượng, vũ khí trang bị, cũng như việc phối hợp giữa các chiến trường, mặt trận trên quy mô toàn miền, Mậu Thân trở thành trận quyết chiến chiến lược chưa từng có. Đó là sáng tạo độc đáo trong tư duy chiến lược của Đảng, một điển hình về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Sức mạnh tổng hợp
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã huy động và phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Để chuẩn bị, ngay từ đầu năm 1967, cán bộ, đảng viên liên tục bí mật tăng cường vào Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm nghiên cứu mục tiêu, gây dựng cơ sở, bảo đảm vật chất cho hoạt động chiến đấu. Nhiều cơ sở cách mạng bí mật hình thành. Đồng thời, đông đảo quần chúng yêu nước, nhất là nhân sĩ, trí thức, được bí mật vận động, tập hợp trong các tổ chức công khai, bán công khai. Họ trở thành đội quân chính trị hùng hậu, sẵn sàng tham gia tổng tiến công và nổi dậy.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta đã huy động tổng lực từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đến đặc công, biệt động… Sức mạnh tổng hợp của lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang 3 thứ quân; sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao; đánh địch trên cả 3 vùng chiến lược, bằng 3 mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa và nhỏ được phát huy, thể hiện nghệ thuật đánh địch bằng mưu cao, kế hiểm.
Với tư duy “không thể đánh theo lối cũ”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giải quyết bài toán “thế nhùng nhằng, giằng co”, tạo nên chuyển biến lớn trên chiến trường. Tết Mậu Thân và những tác động của nó hiện thực hóa mục tiêu chiến lược: phơi bày toàn bộ quá trình thất bại của Mỹ trên chiến trường cả về quân sự lẫn chính trị.
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Mậu Thân cũng là dịp chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang cùng những chiến công oanh liệt. Nghiêng mình tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, nhớ về thắng lợi Mậu Thân để suy nghĩ sâu sắc hơn về những thành tố làm nên chiến thắng. Đó là khát vọng cháy bỏng của những người dân yêu nước Việt Nam về nền hòa bình, độc lập, tự do. Đó là sự chỉ đạo chiến lược của Đảng trong nắm chắc tư tưởng tiến công, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, táo bạo và chọn đúng phương hướng, thời cơ cụ thể. Đó là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó còn là sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, là tình đoàn kết chiến đấu giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Trân trọng lịch sử, những bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mang lại cần được kế thừa và phát huy. Nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới đòi hỏi toàn quân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.