Rất nhiều bức xúc trong thực tiễn đấu thầu thuộc lĩnh vực y tế đã được các ĐB thuộc tổ ĐBQH TPHCM phân tích, mổ xẻ, hiến kế tại phiên thảo luận tổ chiều 7-11 về dự án Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Bệnh viện sẽ ngập trong rác nếu…
Xuất phát từ kinh nghiệm điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), ĐB Nguyễn Tri Thức nhắc đi nhắc lại nhiều lần yêu cầu xây dựng chương riêng trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) về đấu thầu trong lĩnh vực y tế để giải quyết kịp thời những khó khăn hiện nay. Đặc biệt, theo ĐB, cần lấp đầy khoảng trống vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế.
Về chỉ định thầu, hoạt động “dễ phát sinh tiêu cực nhất”, ĐB đề nghị phải quy định càng chi tiết càng tốt. “Dự thảo đã quy định những gói thầu tư vấn, dịch vụ… có thể được chỉ định thầu trong trường hợp cấp cứu, bất khả kháng; nhưng cần bổ sung cả trường hợp “cấp bách” nữa, vì nếu không sẽ không xử lý được nhưng vụ việc như đợt ngộ độc thực phẩm Pate Minh Chay”, ông nói.
Vẫn theo ĐB Nguyễn Tri Thức, bệnh viện sẽ ngập trong rác nếu không có đơn vị dọn dẹp chỉ một vài ngày, do đó cần quy định được chỉ định thầu tạm thời trong một thời gian nhất định.
“Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, dự thảo Luật đã cho phép các đơn vị y tế được lựa chọn xuất xứ thương hiệu, đây là một bước tiến bộ, nhưng cần đi xa hơn nữa. Không nên đánh đồng chỉ định thầu với tiêu cực. Phải có niềm tin với các hội đồng chuyên môn”, ông nói.
Vẫn theo ĐB Nguyễn Tri Thức, nếu muốn mua hàng hóa có chất lượng tốt thì có thể cho phép quy định hẳn thương hiệu. “Qua thực tiễn hành nghề, các nhà chuyên môn biết rõ hơn ai hết nên dùng loại nào. Nên chăng Luật quy định cho bệnh viện tuyến cuối được mua trang thiết bị của nhà sản xuất hàng đầu để người nghèo đến bệnh viện công cũng có cơ hội được điều trị tốt nhất”, ĐB nói và chia sẻ, bệnh viện của ông đã từng gặp trường hợp mọi thứ giấy tờ chứng nhận của thiết bị đều đẹp, giá lại rẻ và "họ đường hoàng trúng thầu, nhưng thực tế thì thiết bị không sử dụng được".
Tiếp lời, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị quan tâm cả giá sàn trong đấu thầu, chứ không nên quá chú trọng tiêu chí “giá rẻ”. “Có những loại thuốc chào thầu rẻ giật mình, tôi nghĩ có làm bằng bột mì cũng không có giá đó”, bà nói.
Nữ ĐB cũng thẳng thắn bình luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), cùng được Quốc hội cho ý kiến lần này: “Các biện pháp quản lý trong dự thảo quay đi quay lại cũng là kê khai giá một số mặt hàng thiết yếu, bắt niêm yết giá… Khi xảy ra chuyện thì chúng ta kết tội doanh nghiệp ăn lời quá cao. Nhưng căn cứ vào đâu để nói là quá cao để xử phạt?".
ĐB hết sức trăn trở về việc làm sao “đánh” được đầu cơ, nhưng cũng phải tôn trọng quy luật thị trường để không xảy ra tình trạng khan hiếm; vì người có trách nhiệm duyệt giá sợ bị xử lý.
“Vấn đề nữa là không nên lấy giá trúng thầu của năm nay làm giá kế hoạch của sang năm và phải thấy rằng đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất để ngăn chặn tiêu cực. Điều này có liên quan chặt chẽ đến cơ chế tự chủ bệnh viện. Cán bộ ngành y thực sự mong được cởi trói”, ĐB nhấn mạnh.