Theo Quyết định 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, diện tích dành cho bến bãi vận tải khoảng 1.145,88ha với 126 vị trí bến. Tuy nhiên, đến nay TPHCM mới dành được hơn 20% diện tích đất theo yêu cầu (thiếu 918,28ha và 91 vị trí). Tình trạng này khiến hoạt động vận tải hành khách công cộng, vận tải hàng hóa gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực tới trật tự an toàn giao thông trên toàn địa bàn thành phố.
Đất giao thông xây… chung cư
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, nhiều vị trí quỹ đất có chức năng quy hoạch làm bến bãi phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dù đã được đưa vào danh mục đầu tư nhưng đã bị thay đổi, quy hoạch thành chức năng khác hoặc lồng ghép vào các dự án xây dựng khu đô thị, gây khó khăn cho việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố.
Điển hình như ở quận 3, theo Quy hoạch Phát triển Giao thông Vận tải TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020 (sau đây gọi tắt là quy hoạch giao thông), tại Ga Hòa Hưng có bến xe buýt. Tuy nhiên, trong quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2.000) liên phường 9 - 13 quận 3 (được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-UBND ngày 28 -1-2013) lại không bố trí bến xe buýt trong ga này. Còn tại quận 7, theo quy hoạch giao thông, bến xe buýt được bố trí trong khuôn viên cảng Tân Thuận thuộc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn quản lý. Tuy nhiên, Cảng Tân Thuận nằm trong nhóm cảng phải di dời ra khỏi nội thành TPHCM, sau năm 2020, tiến độ di dời cụ thể phụ thuộc vào thời điểm xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 và tiến độ xây dựng cảng mới tại khu vực cảng mới Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Do đó, việc đầu tư xây dựng bến xe buýt bị động, chưa thể triển khai được.
Tại quận 12, quy hoạch giao thông xác định chi tiết vị trí bến xe buýt trong khuôn viên Xí nghiệp Xử lý chất thải. Tuy nhiên, theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu dân cư và công nghiệp Tân Thới Hiệp (phường Hiệp Thành), xí nghiệp này cũng nằm trong kế hoạch di dời sau năm 2020. Tại quận Thủ Đức, theo quy hoạch chung Xây dựng TPHCM và quy hoạch giao thông, bến xe buýt được bố trí trong khuôn viên Đại học Quốc gia, dọc theo hành lang xa lộ Hà Nội. Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển của Đại học Quốc gia TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì vị trí bến xe buýt này được xác định tại ngã 3 đường trục trung tâm với quốc lộ 1 thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Cũng tại quận này, theo quy hoạch giao thông, có vị trí xác định bãi đậu xe buýt tại phường Tam Bình - Hiệp Bình Phước, nhưng theo quy hoạch xây dựng của địa phương, nơi đây lại có chức năng là đất cây xanh ven rạch (tiếp giáp đường Số 12 và rạch Gò Dưa, phường Tam Phú). Tương tự, hàng loạt quy hoạch các vị trí bãi đậu ô tô, bãi đậu xe taxi thể hiện trên quy hoạch giao thông nhưng trong quy hoạch xây dựng không xác lập. Còn tại quận Tân Bình, nhiều vị trí bãi kỹ thuật hiện đang sử dụng phục vụ cho hoạt động của xe buýt nhưng theo quy hoạch xây dựng lại chuyển chức năng sang đất giáo dục và đất ở chung cư. Đáng nói là hiện một số quận, huyện chưa cập nhật vị trí bến bãi cũng như chưa có thông tin quy hoạch chi tiết các vị trí quy hoạch bến bãi.
Ưu tiên xây bến bãi
Thiếu hệ thống bến bãi phù hợp là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho hoạt động vận tải hành khách công cộng của TPHCM gặp rất nhiều khó khăn. Tổ chức kết nối hệ thống vận tải hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa và kết nối vận tải hàng hóa liên vùng. Đặc biệt, bãi đậu xe phục vụ cho ô tô, xe cá nhân rất thiếu, dẫn đến tình trạng xe dừng, đậu chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, làm giảm diện tích đường giao thông và cản trở người dân đi bộ…
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện hệ thống bến bãi trên địa bàn thành phố được chia thành 7 loại hình, tổng diện tích là 225,6ha với 35 vị trí. Cụ thể, có 8 bến bãi kỹ thuật xe buýt (8,36ha); 9 bến xe buýt (7,97ha); 4 bến xe liên tỉnh (14,9ha); 4 bãi đậu ô tô (2,69ha); 10 bến ô tô hàng (191,68ha). Riêng bến hàng hóa và bến đậu xe taxi chưa có. |
Với những khó khăn như vậy, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm đề nghị, các bến bãi phục vụ vận tải hành khách công cộng của thành phố cần sớm được ưu tiên xây dựng, làm cơ sở phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Sở GTVT đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở liên quan như kế hoạch và đầu tư, tài chính, tài nguyên và môi trường, quy hoạch kiến trúc… và các quận, huyện nhanh chóng hoàn tất thủ tục, bố trí đủ nguồn vốn để triển khai đầu tư đúng tiến độ đối với các bến bãi hiện đã có chủ trương đầu tư. Đối với các vị trí bến xe buýt được quy hoạch lồng ghép bố trí trong các dự án, các công trình phức hợp (như dự án khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội, có bố trí bến xe buýt quy mô khoảng 1ha; bến xe buýt 1ha trong khuôn viên cảng Tân Thuận; bến xe buýt 1ha trong khuôn viên Xí nghiệp Xử lý chất thải…), Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai dự án và giao bến xe buýt cho sở tiếp nhận, quản lý khai thác. “Các bến xe buýt hiện hữu như bến xe buýt Chợ Lớn, Tân Phú... chỉ đảm nhận chức năng đón, trả khách, phục vụ xe buýt đậu chờ tài xuất bến, cần được cải tạo, nâng cấp nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng bến bãi hiện có. Tại đây sẽ bố trí điểm giữ xe cho hành khách chuyển tiếp sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng và giải quyết nhu cầu đậu xe cá nhân tại khu vực (bãi đậu xe cao tầng hoặc ngầm), kết hợp một số loại hình dịch vụ thương mại, tiện ích phục vụ hành khách, tạo nguồn thu bù đắp chi phí trong công tác duy tu sửa chữa bến xe và đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả”, ông Lâm cho biết.
Bên cạnh đó, Sở GTVT TPHCM đề nghị được tổ chức kêu gọi đầu tư đối với các bến bãi theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó các nhà đầu tư được hưởng cơ chế hỗ trợ lãi vay từ nguồn vốn kích cầu của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM. Đối với các loại hình bến bãi đậu ô tô, taxi, xe hàng, thành phố khẩn trương kêu gọi đầu tư trên mặt bằng sạch (thành phố giải tỏa đền bù). Để đảm bảo diện tích đất được giao sử dụng đúng mục đích, việc tổ chức đầu tư xây dựng, khai thác các công trình trên đất được giao phải phù hợp với công năng theo quy hoạch; đồng thời phải được cơ quan quản lý sử dụng đất và cơ quan quản lý chuyên ngành xem xét thông qua, tránh trường hợp tự ý đầu tư xây dựng không đúng mục đích, không đúng công năng làm thu hẹp diện tích bến bãi.