Thậm chí có cả những clip quay lại lời tự quảng cáo của các cô gái để đối phương tiện lựa chọn đang dấy lên sự bức xúc trong dư luận.
Chấp nhận
Trên trang cá nhân của mình, L.P.H., 20 tuổi (quê Hải Phòng), một ứng cử viên đang tham gia dịch vụ mai mối lấy chồng Hàn, thẳng thắn bày tỏ: “Công nghệ hiện đại, nửa vòng trái đất còn nhìn được mặt nhau chỉ trong một nốt nhạc thì không thể bắt họ phải sang tận đây nhìn mặt mình được. Có gì cứ công khai hết trên web, được thì tới, không thì thôi, thẳng thắn như vậy để sau này không phải thắc mắc”.
Ở phía dưới, nhiều bình luận khuyên H. nên nghĩ lại bởi có nhan sắc, nhanh nhẹn, không gì bằng chung sống với người có cùng nền văn hóa, chung ngôn ngữ, song H. bỏ ngoài tai.
Ngược dòng thời gian chừng 10 năm về trước, với mong muốn có một cuộc sống tốt hơn ở quê nhà, cần có một khoản tiền để hỗ trợ gia đình trong lúc khó khăn, nhiều cô gái tuổi mười mấy, đôi mươi chấp nhận lấy chồng nước ngoài. Ở các vùng quê nghèo, việc lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc từ lâu đã trở thành trào lưu. Người đi trước vẽ ra viễn cảnh đẹp để chiêu dụ người đi sau, để rồi biết bao phận đời tủi hổ, cam chịu cuộc sống còn khốn khó hơn ở quê nhà.
Như N.H.T. kể, cô sinh ra ở miền miệt thứ của tỉnh Bạc Liêu, quanh năm bám sông nước, mưu sinh trên ghe thuyền. Bởi vậy mà khi bà mai vẽ ra một viễn cảnh về cuộc sống sung sướng ở Hàn Quốc, nơi mà qua những bộ phim, bất kể cô gái nào cũng muốn một lần đặt chân tới, lại có khoản tiền vài chục triệu cho ba mẹ trang trải nợ nần, T. liền gật đầu đồng ý.
Ngày N.H.T. (khi ấy vừa bước vào tuổi 19) được lùa vào một căn phòng cùng hàng chục cô gái khác để mấy người đàn ông Hàn Quốc thoải mái ngó trước ngó sau, đẩy vai, xoay vòng, gật đầu rồi lại lắc, T. bắt đầu thấy tủi hổ. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu cho chuỗi ngày đau khổ, làm lụng vất vả bên xứ người. T. tâm sự: “Không ai ép tôi lấy chồng Hàn Quốc, là tôi tự nguyện muốn phụ giúp gia đình thì tôi đành chịu, đâm lao thì phải theo lao, biết kêu ai”.
Thời đó, mạng xã hội chưa phát triển nhiều, các bà mai thường đem cuộc sống trên phim ảnh, nào nhà lầu, xe hơi, phố xá lung linh cùng những chàng trai, cô gái xinh đẹp để chiêu dụ các cô gái lấy chồng Hàn Quốc.
Còn ngày nay, khi có quá nhiều câu chuyện về cuộc sống cơ cực của cô dâu Việt nơi xứ người được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng nhiều cô gái có nhan sắc, gia cảnh không quá bi đát vẫn ôm mộng cuộc sống sang giàu nơi đất khách nên chấp nhận trở thành món hàng như H. lại không hiếm.
Hệ lụy
Chỉ cần gõ từ khóa “cô dâu Việt” trên Google có tới gần 800 triệu kết quả, chủ yếu là những vụ cô dâu Việt ở Đài Loan, Hàn Quốc bị bạo hành. Thế nhưng, số lượng phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc luôn tăng theo từng năm. Riêng ở Cần Thơ, từ năm 2016-2018 đã có tới 2.580 phụ nữ kết hôn với chồng Hàn.
Theo báo cáo của Bộ Gia đình và bình đẳng giới Hàn Quốc, hiện có khoảng 40.000 phụ nữ Việt đang làm dâu tại Hàn Quốc (chiếm đông nhất trong các cô dâu ngoại tại Hàn Quốc). Còn theo báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc, cứ 10 cô dâu nhập cư thì có tới 4 cô bị người chồng bản địa bạo hành, trong 10 năm qua có 19 người đã bị sát hại.
Đó là con số biết nói về một phần cuộc sống của cô dâu Việt nơi xứ người. Chưa kể, cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan hay các nước khác theo môi giới, chủ yếu phải sinh sống ở các vùng nông thôn hẻo lánh, cuộc sống cũng bộn bề những khó khăn, họ phải lao động tay chân vất vả hơn ở quê nhà; thêm những bất đồng quan điểm về ngôn ngữ, về văn hóa nên dẫn đến hàng loạt hệ lụy trong cuộc sống.
“Có người bị bạo hành, có người bị giam lỏng và phải làm việc rất nhiều để phục vụ nhà chồng. Thậm chí nhiều người đàn ông còn che giấu bệnh tật, khuyết điểm của bản thân, đến khi thành vợ thành chồng mới bộc lộ”, chị N.T.N.N. (quê Tây Ninh), một cô dâu Việt sinh sống ở vùng quê hẻo lánh cách TP Seoul (Hàn Quốc) gần 200km, cho biết.
Có người lay lắt trụ lại được, song cũng có hàng ngàn phụ nữ không chịu được cuộc sống cơ cực cùng người chồng lớn tuổi với nhiều khác biệt nên “bỏ của chạy lấy người”. Họ trở về nước trong tủi hổ, khi ấy “tài sản” lớn nhất mà họ đem về được là những đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài, có cha là người nước ngoài nên cơ quan đăng ký hộ tịch của Việt Nam không có thẩm quyền đăng ký khai sinh, dẫn đến không đủ điều kiện đến trường cũng như mất nhiều quyền lợi khác. Bởi vậy mới có “làng của những đứa con lai” như ở cù lao Tân Lộc (Cần Thơ) là một điển hình.
Dĩ nhiên cũng có những cô dâu Việt hòa nhập được với cuộc sống nhà chồng, có được hạnh phúc viên mãn nhưng số lượng ấy không nhiều. Đa phần vẫn là những gam màu tối trên hành trình tưởng chừng là tương lai tươi sáng.