Trình bày tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá XV sáng nay, 4-1, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, chương trình hướng đến mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó là phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng là mục tiêu quan trọng được xác định trong dự thảo.
Về các giải pháp tài khóa, tiền tệ cụ thế để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo nêu rõ, tăng bội chi ngân sách nhà nước tối đa 240.000 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện chương trình.
Bao gồm: miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 (bao gồm cả các khoản miễn, giảm thuế, phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ), trong đó:
- Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức 10% (còn 8%) trong năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển là viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất.
- Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19. Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính.
Khoản chi đầu tư phát triển tối đa là 176.000 tỷ đồng, bao gồm: xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng; cấp bù lãi suất và chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm; xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại; cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; chuyển đổi số, công nghệ thông tin; các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, trọng điểm, hạ tầng phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tập trung triển khai chủ yếu trong 2 năm 2022-2023, điều hòa Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công thực hiện Chương trình; sử dụng dự toán tăng thêm của 2 năm 2022-2023 chi cho đầu tư công để bố trí trước cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và chương trình, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đủ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bảo đảm nguyên tắc điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022- 2023. Đồng thời, sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn để bố trí cho các dự án trọng điểm, quan trọng khi có điều kiện giải ngân giai đoạn 2022-2023 sang giai đoạn 2024- 2025 tiếp tục thực hiện.
Sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động.
Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38.400 tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội.
Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, trong đó, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 được bổ sung thêm vốn; quyết định chủ trương đầu tư các dự án mới chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ và giao kế hoạch theo quy định của Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.