Cuộc tọa đàm của lãnh đạo Bộ NN-PTNT với các đại biểu Quốc hội chiều tối 24-11 |
Chiều tối 24-11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc tọa đàm với đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, trao đổi về những giải pháp triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).
Tại cuộc tọa đàm, TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, Bộ NN-PTNT được Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành và địa phương xây dựng dự thảo đề án này để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Đến thời điểm này, dự thảo đề án đã hoàn thành, đang trình Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau và ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cũng như đại diện của nhiều địa phương, mong muốn đề án sớm được Thủ tướng phê duyệt.
Ông Phan Hoàng Vũ cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau rất phấn khởi khi được giới thiệu về đề án này. "Địa phương đã rà soát các diện tích và điều kiện như hợp tác xã và các quy trình canh tác. Mong Thủ tướng sớm phê duyệt đề án để địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp, tính được tín chỉ carbon để tập huấn cho bà con nông dân", ông Vũ nói.
Còn ông Lê Hữu Toàn cho biết: "Kiên Giang đã sẵn sàng tham gia đề án này. Đề án là then chốt để tổ chức lại sản xuất. Qua tuyên truyền, người dân nhận thức được việc sản xuất gắn với môi trường, tăng trưởng xanh, giảm phát thải... là xu thế tất yếu. Vì vậy, Cà Mau định hướng tổ chức lại sản xuất lại để tăng thu nhập cho người nông dân khi triển khai đề án này".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại tọa đàm |
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, đề án này khi được Thủ tướng phê duyệt, nếu triển khai tốt sẽ mang lại đa giá trị: kinh tế, môi trường, xã hội, văn hóa... Đây chính là cách làm, cách nhìn mới hơn về lúa gạo.