Thật lòng, tôi biết và được làm việc nhiều với chị Tư Liêm về phim ảnh, những câu chuyện truyền thống Thành đoàn. Tôi ít được gặp anh Ba Châu, nhưng có nghe nhiều qua chị Tư và những người khác. Nhưng có một điều tôi biết rất rõ là anh rất thích đọc sách lịch sử, rất quan tâm và sát cánh cùng vợ biên soạn những công trình lịch sử về truyền thống hào hùng của Thành đoàn.
Và anh còn là một độc giả trung thành với Báo Sài Gòn Giải Phóng. Tôi xác tín điều này vì từ năm 2010, khi đọc bài viết của tôi đăng trên báo về sự hy sinh của nữ Anh hùng liệt sĩ Trần Thị Anh khi tham gia cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ tại xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, để lại 2 con thơ, anh rất quan tâm tìm hiểu.
Khi bà Anh bị bắn chết, anh Nguyễn Văn Tiến khi ấy vẫn còn là em bé cần bú sữa mẹ, con gái lớn là chị Nguyễn Thị Đấu mới lên 7. Mẹ hy sinh, cha lấy vợ khác, 2 chị em phải làm thuê mướn kiếm sống. Tôi về xã Hương Mỹ, tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ của những đứa con người nữ Anh hùng liệt sĩ. Trong căn nhà dột nát, xiêu vẹo, anh Tiến không ngăn được nước mắt khi nhắc đến mẹ. Anh mong có được căn nhà đàng hoàng thờ cúng mẹ - một nữ chiến sĩ đã ngã xuống trong phong trào Đồng Khởi.
Báo đăng ít hôm, anh Lê Minh Châu gọi tôi, anh nói: “Anh không ngăn được nước mắt khi đọc bài viết của em. Anh đã vận động được 30 triệu đồng, giúp xây căn nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ”. Tôi thật xúc động trước nghĩa cử của anh. Thì ra, ẩn sau vẻ ngoài ngỡ khô khan của anh là một trái tim ấm nồng.
Sau đó vài tháng, anh và chị Tư Liêm hồ hởi thông báo nhà đã xây xong, rủ tôi đi cùng về Bến Tre dự lễ khánh thành ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ Trần Thị Anh. Buổi lễ trao nhà rất ấm áp, cảm động vì cái tình của những người kháng chiến tìm về nhau. Tôi đâu ngờ hôm đó cũng là lần cuối cùng tôi chụp ảnh cho anh!
Ông Trần Văn Nhiệm (Ba Nhiệm), một trong số cán bộ Thành đoàn bị kêu án tử hình vắng mặt năm 1965, chia sẻ: Châu còn có tên bí danh là Tổng - trong chi bộ hoạt động, đặt bí danh các đồng chí mình là TỔNG KHỞI NGHĨA CƯỚP CHÍNH QUYỀN để luôn nhắc nhau tinh thần cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Tổng (Lê Minh Châu) là người cuối cùng còn sống, nay Châu cũng ra đi. Tất cả đảng viên trong chi bộ ấy đều xứng danh anh hùng. Nói về Châu là mấy chữ ngắn gọn: “Chân chất, lạc quan, kiên định”. Những người kháng chiến cũ còn không bao nhiêu, giờ Châu lại ra đi, buồn quá!”.