ĐBSCL

Đằng sau chuyện cá tra, cá basa chết là gì?

Trong 2 ngày qua (ngày 3 và 4-1), các phương tiện truyền thông – trong đó có Báo SGGP đã phản ánh tình trạng cá tra, cá basa chết hàng loạt ở ĐBSCL. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ.

Đằng sau chuyện cá tra, cá basa chết theo chu kỳ hàng năm là lời cảnh báo về những rủi ro đã và đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Mấy ngày qua, hàng chục hộ dân nuôi cá ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang trở nên hoang mang. Nguyên nhân chủ yếu, mỗi ngày cá trong hầm chết khoảng 2%-3%. Cá chết kiểu này đã kéo dài gần 1 tháng qua.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhiều địa phương khác. Đây là hệ lụy tất yếu của sự phát triển bộc phát, thiếu quy hoạch. Tuy nhiên, một nét đáng chú ý là tình trạng cá chết năm nay tăng cao hơn những năm trước 5%-10%. Đây là điểm rơi đúng chu kỳ cá chết hàng năm.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, thời tiết cuối năm 2006 và đầu năm 2007 khá bất thường, lạnh kéo dài làm cá bị sốc nặng. Tỷ lệ cá chết phổ biến ở mức 25%-30%, trong đó nhiều ao lên đến 50% - 60%.

Song, nhiều ý kiến đã chỉ ra tỷ lệ cá tra, cá basa chết nhiều hơn mọi năm là do cộng hưởng nhiều nguyên nhân. Đặc biệt là môi trường nuôi cá ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng lấn đất trên sông Hậu, sông Tiền nuôi cá, một số doanh nghiệp vô tư cho chất thải ra sông Hậu.

Vừa qua, nông dân đồng loạt xuống giống lúa đông – xuân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên diện rộng, sau đó bơm nước ra sông làm cho mức độ ô nhiễm môi nước trường ngày càng gia tăng.

Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ báo động ở một khía cạnh khác, hiện có quá nhiều loại thuốc diệt côn trùng đang được bày bán tràn lan trên thị trường, giá nào bán cũng được. Trong khi đó, không ít người nuôi cá hiện nay sử dụng thuốc trị bệnh cho cá theo kiểu “truyền miệng”, thiếu sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Ông Bùi Hữu Trí chỉ ra hai vấn đề căn bản: Sản xuất cá giống gần như nằm ngoài sự kiểm soát; nhiều chỗ sản xuất cá giống đã cũ kỹ, lạc hậu. Trong khi đó, mật độ nuôi cá ở các hầm hiện nay quá dày, nhiều hộ đua nhau nuôi tạo áp lực về môi trường... khiến độ rủi ro tăng cao.

Xuất khẩu thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL – nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào. Việt Nam đã gia nhập tổ chức WTO, những yếu kém trong sản xuất cá tra, cá basa hiện nay không sớm khắc phục sẽ “vướng” ngay các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng là nguồn nhân lực phục vụ cho nuôi cá tra, cá basa lâu nay gần như chưa được xem xét nghiêm túc. Phần lớn các kỹ sư thủy sản được đào tạo hiện nay chuyên về con tôm, không mấy người chuyên về cá tra, cá basa.

Nhiều người “bàn tới, bàn lui” về chuyện thương hiệu cho con cá tra, cá basa ĐBSCL, thảo luận về sản lượng 1 triệu tấn cá tra, cá basa vào năm 2010. Thế nhưng, nguồn nhân lực, thị trường thức ăn, thuốc trị bệnh... lại để trôi nổi! Đây chính là lỗ hổng, mà cá chết hàng loạt là một hệ lụy tất yếu. 

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục