Khác với một Indonesia chìm trong suy thoái 20 năm trước, Indonesia ngày nay ngoài chính sách tiền tệ sạch sẽ còn nắm trong tay một vũ khí quan trọng: dự trữ ngoại tệ khổng lồ đủ để đối phó với nguy cơ rút vốn ồ ạt, đủ để họ bảo đảm an toàn mà không cần đòi hỏi sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng gần đây, đồng rupi Indonesia giảm giá xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998. Trong vòng 1 năm, đồng rupi đã giảm giá hơn 11%.
Indonesia là một trong những ví dụ cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu đang bị che phủ bởi hàng loạt nguy cơ mà các nước mới nổi có thể là nạn nhân đầu tiên. Kinh tế Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina cũng bị đẩy vào thế khó do đồng USD tăng giá. Chỉ có vài nước châu Á tỏ ra có khả năng duy trì đà tăng trưởng cao. Mối lo ngại đến từ việc lãi suất của Mỹ đã tăng liên tục vài tháng qua. Tại Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng peso và lira đã mất giá mạnh, thậm chí có khả năng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng gay gắt. Brazil, Nam Phi, Philippines hay Indonesia cũng đều bị tác động với mức độ khác nhau. Những nước bị tác động mạnh nhất chính là những nước dễ bị tổn thương nhất do thâm hụt cao, phải trả các khoản nợ lớn quy ra đồng USD, hoặc những quốc gia bất ổn về chính trị.
Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng của hãng bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, đánh giá rằng, cho tới thời điểm hiện nay tuy chưa xảy ra khủng hoảng lan rộng ở các nền kinh tế mới nổi, nhưng “những nước này sẽ bị điểm tên khi xảy ra một cú sốc về thanh khoản trên thế giới. Nói một cách khác, họ đang ở phòng chờ trước khủng hoảng”. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển hiện chiếm hơn một nửa GDP thế giới, so với dưới 40% trong những năm 1990, xét theo ngang giá sức mua.
Tuy chưa thể khẳng định các nước này sẽ gặp trục trặc nhưng cũng đang được coi là những đối tượng rất mong manh. Mức độ nợ công của nhiều nước đã tăng rất nhanh: ít nhất là 50% đối với khu vực tư nhân trong vòng 1 thập niên qua. Họ rất dễ bị tổn thương trong trường hợp xảy ra leo thang chủ nghĩa bảo hộ, khiến cho xuất khẩu sản phẩm công nghiệp và nguyên liệu bị ảnh hưởng. Họ cũng dễ bị tác động bởi các rủi ro chính trị, như trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, khi mà những quyết định có tính chất bất thường của Tổng thống Erdogan đã dẫn tới các cú sốc tài chính.
Theo các chuyên gia, số nước nổi lên thực sự thấp hơn mong đợi. Rất nhiều nước vẫn chưa đạt được mức thu nhập cao, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, dù ban đầu phát triển rất nhanh. Nhìn một cách tổng thể, tăng trưởng tại các nước mới nổi đã bớt đi ánh hào quang.
Đồng thời, khác biệt giữa họ cũng tăng lên. Để vượt qua, những nước này phải quản lý được nợ công cao trong môi trường tài chính toàn cầu khắc nghiệt hơn; phải chống lại các hiện tượng khí hậu bất thường; xác định mô hình phát triển trong bối cảnh công nghiệp lùi bước nhường chỗ cho dịch vụ, tự động hóa đang làm thay đổi bản đồ trao đổi thương mại. Trên bàn cờ phức tạp này, châu Á dường như đang có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, dù có nguy cơ khủng hoảng nhưng xét theo nghĩa rộng, các nước mới nổi vẫn có tiềm năng rất lớn. Và, sau họ còn có rất nhiều ứng cử viên sắp gia nhập, nhất là ở châu Phi.