Sau khi tra cứu thông tin dữ liệu trên hệ thống, nhân viên cho biết xe này đã được đăng ký sử dụng dịch vụ Epass của Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam. Quá bất ngờ, ông ra cửa hàng Viettel có dịch vụ dán thẻ Epass yêu cầu kiểm tra cụ thể và được nhân viên nơi đây xác nhận xe đã đăng ký. Khi đó, ông đề nghị dán thẻ Epass lên xe thì được thông báo là hết thẻ; rồi nhân viên xin số điện thoại để khi có thẻ sẽ gọi đem xe ra dán.
Đến trưa 29-7, ông Quốc ra cửa hàng Viettel khu vực Bà Điểm (huyện Hóc Môn) cũng được thông tin chưa có thẻ, chờ 10-15 ngày. Chỉ còn 2 ngày nữa hết hạn dán thẻ, xe phải thường xuyên chạy hợp đồng, nếu không dán thẻ sẽ bị phạt nặng. Ông đề nghị hủy dịch vụ Epass để chuyển sang dùng Etag của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC nhưng nhân viên Viettel cho biết TPHCM không có trung tâm hủy thẻ, phải ra các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để xử lý. Epass cũng không có dịch vụ hủy online. “Vậy xe tôi không dán được thẻ ETC, chạy qua trạm thu phí bị phạt ai chịu trách nhiệm?”, ông Quốc bức xúc.
Trước thực trạng nêu trên cùng nhiều bất cập trong việc triển khai dán thẻ ETC, ngày 29-7, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện Bộ GTVT cho biết, đã ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về việc phương tiện bị tự động đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí không dừng Epass (của Công ty CP Giao thông số Việt Nam). Hiện tượng này là do doanh nghiệp chạy doanh số dán thẻ, bất chấp mong muốn của chủ phương tiện. Bên cạnh đó, nhiều sự cố vẫn xảy ra trong quá trình thu phí như xe không qua trạm vẫn bị trừ tiền…
Do vậy, Bộ GTVT đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra, rà soát những thông tin trên để có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại trước ngày 5-8.
Các nhà cung cấp dịch vụ phải có giải pháp để chủ phương tiện hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ (Etag hoặc Epass) đã dán một cách thuận lợi, thông qua việc tăng cường các điểm dịch vụ hoặc thực hiện online. Các nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống. Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, quy định hợp đồng.