Cụ thể, cơ quan chức năng đã cấp đăng ký kết hôn cho tổng số gần 732.000 cặp (giảm 3,5%), trong đó có gần 19.000 trường hợp có yếu tố nước ngoài (tăng 15,85%).
Cũng trong năm 2017, cả nước đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho gần 2 triệu trường hợp (tăng gần 3,9% so với năm 2016), đăng ký khai sinh lại cho hơn 791.000 trường hợp (tăng tới 40,24%) và gần 5.000 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài. Như vậy, số lượng khai sinh mới có xu hướng tăng, đặc biệt là khai sinh lại tăng rất lớn.
Một điểm mới đáng lưu ý trong công tác này là Bộ Tư pháp đã từng bước hoàn thiện và triển khai mở rộng phạm vi áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh - kết nối cấp số định danh cá nhân cho trẻ em. Đến nay đã mở rộng triển khai phần mềm đăng ký khai sinh tại 17 tỉnh/thành phố, phần mềm đăng ký hộ tịch (phiên bản đầy đủ) tại 15 tỉnh/thành phố và huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Riêng năm 2017, hệ thống phần mềm đã ghi nhận gần 647.000 trường hợp đăng ký khai sinh (trong đó có 468.534 trường hợp đăng ký khai sinh lần đầu cho trẻ dưới 14 tuổi là công dân Việt Nam được cấp số định danh cá nhân), trên 129.000 trường hợp đăng ký kết hôn, trên 290.500 trường hợp cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, gần 105.000 trường hợp đăng ký khai tử…
Trong công tác quốc tịch, Bộ Tư pháp cùng với các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện xong việc tổng kết thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản quy định chi tiết thi hành để báo cáo, đề xuất hoàn thiện thể chế công tác này trong thời gian tới. Năm 2017, Bộ đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết hơn 4.500 hồ sơ quốc tịch, trong đó có 36 hồ sơ xin nhập, 6 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.