Nơi được, nơi không
Dò theo địa điểm dịch vụ hỗ trợ khách hàng ở TPHCM được Công ty TNHH Thu phí tự động VETC công bố trên cổng thông tin điện tử, phóng viên tìm đến Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới 5005V (đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình). Tuy nhiên, tại trung tâm không có nhân viên túc trực để hướng dẫn dán eTag cho các chủ phương tiện.
Tiếp tục đến TTĐK xe cơ giới 5008D (đường TA28, phường Thới An, quận 12) hỏi cách đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí không dừng (ETC) thì một nhân viên cho biết: “Anh vui lòng tới Trạm thu phí An Sương - An Lạc để đăng ký. Hôm nay nhân viên của VETC xin nghỉ”.
Theo hướng dẫn, chúng tôi đến Trạm thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân) đề nghị đăng ký dịch vụ ETC. Một nhân viên tại đây cho biết: “Muốn sử dụng dịch vụ ETC thì chủ xe mang theo xe và giấy tờ tùy thân đến làm hồ sơ; và không mất bất cứ loại phí nào. Hiện tại, đơn vị cũng liên kết với các ngân hàng như BIDV, Vietcombank hoặc nạp tiền thông qua dịch vụ ví điện tử”.
Chiều 25-12, chúng tôi tiếp tục đến TTĐK xe cơ giới 50-06V (118 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7) để đăng ký dán thẻ eTag. Tại khu vực hành chính của TTĐK có dán thông báo “Dán thẻ thu phí tự động VETC miễn phí”. Theo hướng của nhân viên, nếu hồ sơ đủ theo quy định thì sau khoảng 10 phút là được dán thẻ eTag.
Qua ghi nhận thực tế, tại TPHCM rất ít TTĐK hoặc trạm thu phí ký hợp đồng đại lý với Công ty TNHH thu phí tự động VETC để thực hiện việc hướng dẫn các chủ phương tiện đăng ký dán thẻ eTag. Do vậy, nhiều người dân vẫn khó tiếp cận với loại hình dịch vụ này.
Mới có hơn 1 triệu ô tô đăng ký
ETC được xem là hình thức mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc giao thông và đặc biệt là minh bạch khoản thu của các trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, theo nhiều người dân, doanh nghiệp, với cách thức hiện tại chưa tạo sự thuận tiện cho chủ phương tiện khi lưu thông.
Anh Nguyễn Minh Trọng (45 tuổi, ngụ quận Bình Tân) kể: “Tôi đã đăng ký sử dụng ETC từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng gặp rất nhiều rắc rối như khi đi qua các trạm khác nhau đều phải mất thời gian quan sát xem có trạm ETC hay không, thậm chí có lúc đi nhầm làn lại phải dừng để giải thích, lùi lại để chuyển làn hoặc thanh toán tiền mặt. Sau một thời gian sử dụng tôi thấy hình thức này còn rất nhiều bất cập nên đã chyển sang thanh toán theo cách truyền thống”.
Ông Đào Duy Lý (62 tuổi, nhân viên Tổng công ty May Việt Tiến) cũng cho biết, doanh nghiệp đang băn khoăn có nên dán nhãn eTag cho đội xe công ty hay không. “Tôi thấy hiện nay các trạm BOT vẫn chưa đồng bộ. Chúng tôi thường xuyên vận chuyển hàng hóa đến nhiều tỉnh thành trên cả nước, nếu tỉnh này có làn ETC, mà tỉnh kia lại không có thì gây ra rất nhiều phiền phức”, ông Lý phân trần.
Còn chị Võ Thị Tiền Thanh (35 tuổi, ngụ quận 12) nêu quan điểm: “Xe nhà tôi chỉ sử dụng đi làm trong thành phố, ít khi đi xa, nên tôi cũng không đăng ký dán eTag vì sợ mất thời gian đi đăng ký và làm thủ tục. Nếu có đi xa thì tôi mua vé theo cách truyền thống”.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 31-12 tới, các trạm thu phí trên cả nước đều có làn ETC. Tuy nhiên, hiện nay, mới có hơn 1 triệu ô tô đã dán thẻ eTag và sử dụng dịch vụ ETC trên tổng số hơn 4 triệu xe đang lưu hành. Do vậy, để phát huy hiệu quả loại hình dịch vụ này, các đơn vị trên cả nước cần liên kết, nâng cao công tác truyền thông, mở thêm nhiều điểm đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí không dừng, thủ tục đơn giản để tạo sự thuận tiện cho người dân.
Một số điểm dán thẻ thu phí không dừng tại TPHCM: Trung tâm đăng kiểm 5002S (343/20 Lạc Long Quân, quận 11) Trung tâm 5003S (số 6/6 QL13, quận Thủ Đức) Trung tâm 5003V (107 Phú Châu, quận Thủ Đức) Trung tâm 5006V (118 Huỳnh Tấn Phát, quận 7) Trung tâm 5008D (218/42 TA 28, quận 12) Trung tâm 5013D (20H6, số A5 Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh) Trung tâm 5042V (quận 2) Trạm thu phí An Sương (QL1A, quận Bình Tân) Trạm thu phí Phú Mỹ (quận 2) |