“Vàng mềm” của doanh nghiệp
Nhận thức rõ vai trò của tài sản trí tuệ (TSTT), thời gian qua, một số doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu đăng ký bảo hộ phù hợp. Các thương hiệu như Vinacafé, nước mắm Phú Quốc, Vinamilk, Mì tôm Thanh Long, hay xoài cát Hòa Lộc… đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu thông qua các hình thức bảo hộ TSTT như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và bí mật kinh doanh. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp bảo vệ sản phẩm của mình trước các đối thủ mà còn tạo điều kiện để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có chiến lược khai thác hiệu quả TSTT. Theo chuyên gia Chu Bá Long (Công ty Tư vấn An Phát), doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 96% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp khoảng 45% GDP. Vậy nhưng tỷ lệ doanh nghiệp có đăng ký và khai thác quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn rất thấp. Hệ quả là nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký trước tại thị trường quốc tế.
Một trong những trường hợp điển hình là cà phê Buôn Ma Thuột bị một công ty Trung Quốc đăng ký độc quyền tại Trung Quốc vào năm 2010, khiến sản phẩm này không thể xuất khẩu vào thị trường tỷ dân trong nhiều năm. Phải mất tới 6 năm kiện tụng, thương hiệu này mới được trả lại cho Việt Nam. Tương tự, nước mắm Phú Quốc từng bị một doanh nghiệp Mỹ đăng ký nhãn hiệu “Phu Quoc”, gây nhầm lẫn nghiêm trọng về nguồn gốc sản phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn khi mở rộng thị trường tại Trung Quốc, ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế của Vinamilk, cho biết, lúc đầu Vinamilk đã gặp khó khăn khi nhãn hiệu “Dielac” bị từ chối bảo hộ tại Trung Quốc do sự tồn tại của nhãn hiệu “DULAC” đã được đăng ký trước đó. Để giải quyết vấn đề này, đại diện của Vinamilk, cùng với các luật sư đã nộp đơn yêu cầu hủy hiệu lực nhãn hiệu “DULAC” vì không được sử dụng liên tục trong 3 năm. Đây là một phương thức hữu hiệu để vượt qua việc từ chối bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý: “Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ dừng lại ở việc đăng ký nhãn hiệu mà còn phải theo dõi và giám sát để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trong việc bảo vệ TSTT của mình khi mở rộng ra thị trường quốc tế”.
Công cụ cạnh tranh cho hàng xuất khẩu
Để doanh nghiệp tận dụng tốt TSTT, trở thành công cụ cạnh tranh hiệu quả trên trường quốc tế, PGS-TS Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (ĐH Quốc gia TPHCM), phân tích, thương mại hóa TSTT không chỉ là việc bảo hộ quyền sở hữu, mà còn là tối ưu hóa giá trị tài sản vô hình này để tạo ra lợi nhuận thực tế cho doanh nghiệp. Để có thể làm được điều này, doanh nghiệp cần chủ động đăng ký bảo hộ TSTT không chỉ trong nước mà còn tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Cùng quan điểm, chuyên gia Chu Bá Long nhận định, rất nhiều doanh nghiệp Việt chỉ đăng ký nhãn hiệu trong nước mà quên mất rằng khi xuất khẩu, thương hiệu của họ chưa được bảo vệ tại thị trường quốc tế, dẫn đến nguy cơ bị đối thủ chiếm đoạt. Doanh nghiệp cần xây dựng bộ phận chuyên trách về TSTT, kết hợp đào tạo nhân sự để quản trị, giám sát và khai thác TSTT một cách bài bản.
“Chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Việc ký kết các hiệp định bảo hộ với các thị trường xuất khẩu sẽ giúp bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt tại nước ngoài, đồng thời giảm thiểu nguy cơ tranh chấp pháp lý khi xuất khẩu sản phẩm. Với sự hỗ trợ từ Nhà nước, sự chủ động của doanh nghiệp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, TSTT sẽ không chỉ giúp bảo vệ thương hiệu Việt mà còn là đòn bẩy để nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa hàng hóa Việt Nam chinh phục thị trường thế giới”, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, chia sẻ.
Dưới góc nhìn quản lý nhà nước, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, khẳng định, TSTT không chỉ giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi rủi ro pháp lý mà còn là đòn bẩy quan trọng giúp nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường và gia tăng lợi thế cạnh tranh. Trường hợp nhãn hiệu Apple là ví dụ. Thành công của thương hiệu này ngoài các sản phẩm như iPhone hay MacBook, là chiến lược sở hữu trí tuệ bài bản, với hàng trăm bằng sáng chế, nhãn hiệu và bí mật công nghệ.
Theo ông Trần Giang Khuê, Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong việc đăng ký bảo hộ, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bài học các nước phát triển cho thấy, họ có các chương trình hỗ trợ chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi tại Việt Nam, doanh nghiệp vẫn phải tự lo tất cả. Nếu không có chính sách hỗ trợ cụ thể, doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo hộ thương hiệu.