Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện hội đồng họ Lê Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương.
Tham dự lễ dâng hương còn có đại diện lãnh đạo các tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Bình, Bình Định, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế...
Đoàn đã đến dâng hương tại khu mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở thôn Hải Thượng (xã Sơn Trung) và Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại thôn Bảo Thượng (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Trước anh linh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương và bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân sâu sắc trước những công lao, cống hiến to lớn của Đại danh y đối với nền y học, văn hóa nước nhà và thế giới.
Những giá trị di sản về y đức, y đạo, y thuật mà Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại cho đời sau là vô cùng quý giá, trở thành cẩm nang cho nền y dược học Việt Nam.
Các thành viên trong đoàn nguyện hứa sẽ tiếp tục kế thừa, bảo tồn và phát triển công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Dịp này, đoàn đại biểu đã tham quan gian trưng bày chuyên đề “Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - cuộc đời và sự nghiệp” và các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản vật địa phương của huyện Hương Sơn.
Lê Hữu Trác (1724-1791), quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương - nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Lê Hữu Trác là người có tư chất thông minh, ông từng đậu Tam trường, sau đó tiến thân bằng con đường binh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi xông pha trận mạc, ông cảm thấy không phù hợp. Năm 1746, ông rời quân ngũ trở về quê ngoại Hương Sơn để phụng dưỡng mẹ già. Tại đây, Lê Hữu Trác đã dành phần đời còn lại chuyên tâm nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người.
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một lương y tài đức vẹn toàn, một trí thức bậc thầy, một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam thế kỷ XVIII. Ông đã để lại cho hậu thế những di sản quý giá về y học, văn học, văn hóa, khoa học...
Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”.
Tại phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ngày 21-11-2023 đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024”, trong đó có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Ngày 26-11-2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký quyết định về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 16 đối với 6 di tích trong toàn quốc. Trong đó, có Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.