Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà lãnh đạo uy tín, với 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục từ năm 1960 đến 1986 trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì khát vọng thống nhất đất nước, đồng thời là nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam với phương châm “cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể”.
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tưởng nhớ đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo 3 lần được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng. Lần đầu vào năm 1941, lần thứ 2 năm 1951 và lần thứ 3 từ tháng 7 đến tháng 12-1986, thay Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần.
Trong thời gian này, đồng chí Trường Chinh đã đề xuất chủ trương đổi mới, để từ đó Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay đã khẳng định tính đúng đắn của sự nghiệp đổi mới mà Tổng Bí thư Trường Chinh là người đề xuất, khởi xướng cách đây 35 năm.
Tới dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1988 đến năm 1991 và trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1991 đến năm 1997, đồng chí Đỗ Mười luôn day dứt về nguy cơ tụt hậu của đất nước, cũng như về sự tăng trưởng dưới tiềm năng của nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là một nhà lãnh đạo luôn quan tâm tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng là một nhà lãnh đạo luôn kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, nhà lãnh đạo hết sức gần gũi, sâu sát với các địa phương. Do đó, quan điểm phát triển đất nước của đồng chí Đỗ Mười luôn sát với thực tiễn và khơi dậy được tiềm năng phát triển của đất nước.
Dâng hương tưởng nhớ đồng chí Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1997 đến năm 2001 và từ trần vào năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại ở mỗi giai đoạn khó khăn, thử thách của đất nước, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, đồng thời luôn đặt lợi ích của Đảng, đất nước và nhân dân lên trên hết. Đồng chí cũng là nhà lãnh đạo gần gũi, giản dị, luôn gắn bó với nhân dân, sâu sát địa phương và cơ sở. Trong những điều kiện cụ thể, đồng chí luôn có nhiều đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện chính kiến và dám chịu trách nhiệm.
Tới dâng hương tưởng nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1955 đến năm 1987, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chỉ là người đứng đầu Chính phủ lâu năm nhất, mà còn là một trí tuệ uyên bác, người hết sức chú trọng tới văn hóa và phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước. Đồng chí là nhà ngoại giao tài ba, khi đảm nhiệm trọng trách Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Genève về Đông Dương, đồng thời là nhà lãnh đạo có nhiều công lao trong xây dựng và quản lý nhà nước.
Cũng trong chiều 2-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người mà tên tuổi gắn liền với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.