Công trường“án binh bất động”
Ngày 20-5, trên công trường cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) không một bóng công nhân. Hàng rào tôn cao 2m quây kín công trường, bên trong là từng đoạn bê tông lồi lõm, sắt thép ngổn ngang, gỉ sét. Ông Võ Hải, người dân ở khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, nhà gần công trường cho biết: “Gần 3 năm nay công trình gần như bỏ hoang. Người dân có việc qua lại khu vực này phải đi qua 2 cây cầu tạm bằng sắt ọp ẹp, cứ đến giờ tan tầm là xảy ra kẹt xe, va quẹt suốt”…
Cách đó chừng 2km, công trình cầu Bưng nối quận Bình Tân và Tân Phú được khởi công vào tháng 7-2017 bắc qua kênh Tham Lương, nhằm mục đích giảm tải lưu thông trên đường Lê Trọng Tấn. Tổng đầu tư dự án hơn 514 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5, đã gần 4 năm trôi qua nhưng cây cầu vẫn chưa hoàn thành do còn vướng mặt bằng 2 doanh nghiệp thuê đất từ phía Khu công nghiệp Tân Bình.
Trưa 20-5, chúng tôi có mặt tại công trường thi công cầu Bưng, ghi nhận rào chắn công trình vẫn tồn tại thành hàng dài trên đường Lê Trọng Tấn làm thu hẹp lòng đường, gây kẹt xe thường xuyên. Bà Lê Thị Kiều Trang, hộ dân trên đường Lê Trọng Tấn (quận Bình Tân), bức xúc: “Mấy năm qua, công trình cầu Bưng thi công chẳng ra cầu, chẳng ra hầm. Cầu chờ đường, rồi đường chờ cầu khiến đời sống người dân quá khổ”.
Tương tự là dự án cầu Long Kiểng mới (nối quận 7 và huyện Nhà Bè) được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2001, tổng đầu tư 557 tỷ đồng. Tháng 8-2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công và dự kiến hoàn thành cuối tháng 11-2019. Nhưng đến nay còn dang dở! Từ nhiều tháng nay, công trường thi công cầu Long Kiểng hầu như không có bóng công nhân. Tính ra, kể từ khi phê duyệt đến nay, dự án cầu Long Kiểng đã ngót nghét 20 năm nhưng chưa biết khi nào xong…
Dự án cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) cũng chẳng khá gì hơn sau 4 năm khởi công, giờ phải tạm dừng do vướng mặt bằng. Đây là cây cầu huyết mạch đi qua Cảng Phú Hữu, nối vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tổng mức đầu tư hơn 857 tỷ đồng. Hiện dự án chỉ là những khối trụ và nhịp cầu bê tông dang dở, sắt thép lộ thiên hoen gỉ, xuống cấp.
Sớm có phương án tháo gỡ
Cầu Tân Kỳ Tân Quý được xây dựng trước năm 1975, cách QL 1A khoảng 150m, bị sụt mố cầu hồi tháng 8-2016. Sau đó, Sở GTVT đề xuất UBND TPHCM chấp thuận phương án đầu tư bổ sung cầu mới Tân Kỳ Tân Quý vào dự án BOT An Sương - An Lạc. Theo thiết kế, cầu dài gần 230m, rộng 16m, đường gom hai bên cầu dài gần 370m, với mức đầu tư 312,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó vốn đầu tư dự án đội lên tới 668 tỷ đồng! Công trình khởi công đầu năm 2018 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2018, bắt đầu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ từ tháng 1-2025 đến hết tháng 3-2034, để hoàn vốn thông qua Trạm thu phí An Sương - An Lạc hiện hữu.
Kiểm toán Nhà nước xác định dự án không nằm trên tuyến QL 1A nên việc bổ sung vào dự án BOT An Sương - An Lạc không đảm bảo công bằng cho người sử dụng. Do đó, Sở GTVT đã đề xuất UBND TPHCM chuyển hình thức đầu tư từ đối tác công - tư sang ngân sách nhà nước để tiếp tục đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhưng đến nay vẫn chưa có phương án khả thi…
Về công trường thi công cầu Long Kiểng “trơ gan cùng tuế nguyệt”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư) cho biết, nguyên nhân dự án kéo dài là do chính quyền địa phương chậm giao mặt bằng. Nhà thầu đã hoàn thành kết cấu từ trụ T1 đến T8, song do mặt bằng chưa đủ nên từ tháng 12-2019, nhà thầu đã tạm ngừng thi công.
Trong khi đó, giải thích sự thi công ì ạch tại dự án cầu Nam Lý, ông Lương Minh Phúc cho biết, tiến độ chậm cũng do giải phóng mặt bằng bị chậm. Ông Phúc cho hay, với dự án cầu Nam Lý, UBND TP đã cam kết sẽ bàn giao mặt bằng vào tháng 12-2021 để công trình hoàn thành sau 10 tháng thi công.
Đến nay, TP có hơn 40 dự án giao thông trọng điểm bị vướng mặt bằng, trong đó có nhiều dự án cầu phải tạm ngưng nhiều năm như cầu Tân Kỳ Tân Quý, cầu Nam Lý, cầu Long Kiểng… Việc thi công kéo dài vừa phát sinh chi phí vừa ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Do đó, các sở ngành, các cấp chính quyền cần sớm có phương án tháo gỡ nhằm sớm hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng.