Nỗ lực giảm sút
Các cuộc đàm phán kéo dài thêm 2 ngày qua tại Madrid được xem là cơ hội tìm tiếng nói chung của 200 quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu nhằm ngăn chặn nhiệt độ Trái đất tăng lên. Tuy nhiên, việc nhiều nước lớn như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia chống lại áp lực phải tăng cường các nỗ lực ngăn chặn hiện tượng Trái đất ấm dần lên, đã gây ra sự chỉ trích của các nước nhỏ hơn và các nhà hoạt động môi trường. Bởi các nước nhỏ mong muốn cam kết mạnh mẽ hơn về cắt giảm khí thải từ chính những nước phát thải nhiều nhất thế giới nói trên.
Mặc dù đã nỗ lực hoàn tất một bộ quy tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái đất dưới ngưỡng 2°C, và nếu có thể là 1,5°C, các quốc gia tham dự COP 25 tại Tây Ban Nha vẫn chưa thu hẹp bất đồng sau hai tuần thảo luận. Điểm bất đồng mấu chốt là cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý các thị trường carbon. Bên cạnh đó, các bên chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc COP 25 gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng các nước đang sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn để giảm khí thải. Phát biểu tại phiên họp mới nhất, đại diện cho EU, Bộ trưởng Môi trường Phần Lan Krista Mikkone nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh Hiệp định Paris đang bước vào một giai đoạn thực thi quan trọng, hội nghị không thể kết thúc mà không thống nhất được một thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc tăng cường cam kết cắt giảm khí thải vào năm tới. Theo bà Krista Mikkone, đây là điều mà thế giới đang kỳ vọng, đồng thời kêu gọi hội nghị lắng nghe lời kêu gọi từ bên ngoài. Nepal, Thụy Sĩ, Uruguay và quần đảo Marshall đã hưởng ứng lời kêu gọi của EU về tham vọng khí hậu.
Việc các nước chưa thể hoàn thành việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại COP 25 lần này, đồng nghĩa với việc mọi vấn đề còn dang dở sẽ được tiếp tục thảo luận và giải quyết tại COP 26, dự kiến diễn ra tại Glasgow, Anh vào năm 2020.
Còn nhiều mâu thuẫn
Trước đó, từng có nhận định cho rằng, cơ hội cho những bước đột phá tại hội nghị này là không nhiều, khi đến thời điểm hiện nay chỉ có tổng cộng 71 nước, hầu hết là các nước có lượng khí thải thấp, cam kết đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050. Các nước lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ khó có khả năng đưa ra các mục tiêu lớn hơn tại hội nghị, với khẳng định họ đang làm nhiều hơn những gì được yêu cầu. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại mâu thuẫn giữa các nước giàu và các nước đang phát triển trong những khoản đóng góp và hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị kéo dài 2 tuần này diễn ra giữa bối cảnh những tác động của khí hậu ngày càng gia tăng do Trái đất ấm lên trong năm qua được phản ánh một cách rõ nét, với các vụ cháy rừng từ Bắc cực và rừng nhiệt đới Amazon cho tới Australia cùng những siêu bão gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực nhiệt đới. Trước đó, báo cáo mới nhất của LHQ chỉ ra cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 1,5°C. Để giữ mức nhiệt tăng ở ngưỡng an toàn, về lý thuyết lượng khí thải CO2 cần phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng một thập niên tới. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng mục tiêu này dường như “bất khả thi” khi trên thực tế mức khí thải CO2 mỗi năm lại tăng lên một mốc kỷ lục mới.