Đặng Đình Áng - nhà toán học tiên phong

Giáo sư Toán học Đặng Đình Áng vừa vĩnh biệt cõi này vào lúc 10 giờ sáng 29-8-2020, thọ 94 tuổi. Thầy là một nhà toán học tiên phong thành đạt, tận tuỵ với sinh viên, một nhân cách lớn, một con người nhân hậu, giản dị, một tấm lòng dạt dào tình cảm quê hương, một nhân tố kết nối khoa học thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của thầy đã để lại cho chúng tôi những bài học lớn.
GS Đặng Đình Áng trình diễn flute vào dịp sinh nhật tuổi 80
GS Đặng Đình Áng trình diễn flute vào dịp sinh nhật tuổi 80

1. Bài học thứ nhất đó là, để thành công trong công việc gì, cần phải có quyết tâm và tập trung cao độ, nhưng vẫn phải luôn tự đổi mới. Trong suốt quá trình giảng dạy và nghiên cứu, GS Đặng Đình Áng luôn luôn tập trung vào lãnh vực chính là Giải tích Toán học qua hơn 120 bài báo đã công bố, nhưng vẫn thường xuyên đổi mới nội dung nghiên cứu Giải tích ở từng thời kỳ, bất kể tuổi tác của thầy. 

Đầu những năm 60 thế kỷ trước, thầy Đặng Đình Áng về Sài Gòn dạy học, và để mang đến cho anh em chúng tôi những kiến thức mới về Toán Lý thuyết lúc bấy giờ qua các môn Topo, Giải tích hàm, Giải tích thực, thầy đã phải cố gắng tự nghiên cứu rất nhiều. Anh em chúng tôi trong thế hệ sinh viên đầu tiên của thầy đã rất thích thú tiếp thu những kiến thức mới này, và nhất là phương pháp dạy học bình dị của thầy: Thầy luôn khuyến khích anh em chúng tôi tự học, tự nghiên cứu hơn là nhồi nhét kiến thức. 

Đến những năm 70, ở tuổi bước qua “tứ thập nhi bất hoặc” để đi vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, thầy Đặng Đình Áng lại một lần nữa đổi mới nội dung giảng dạy và nghiên cứu sang lãnh vực Giải tích toàn cục, Lý thuyết điểm bất động và phương trình vi tích phân. 

Sang những năm 80 của thế kỷ trước, đã bước vào tuổi 60, thầy lại một lần nữa đổi mới nội dung giảng dạy và nghiên cứu. Lần này thầy chuyển hướng sang nghiên cứu về Phương trình đạo hàm riêng, giải quyết những bài toán ngược, bài toán không chỉnh. Hơn phân nửa các công trình nghiên cứu của thầy đã được công bố trong giai đoạn này. 

Ở tuổi 70 sang 80, các công trình về phương trình của thầy Áng đã hướng tới với Cơ học, tình yêu đầu đời của mình. Thầy đã cùng các học trò và đồng nghiệp công bố trên 20 bài báo trong đó sử dụng công cụ Phương trình tích phân phi tuyến, phương trình đạo hàm riêng để giải các bài toán thú vị trong Cơ học và Địa Vật lý.

Các kết quả to lớn thầy đã đạt được đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng nền Toán học ở miền Nam, qua đó góp phần phát triển nền Toán học của cả nước.  

2. Bài học thứ hai là bài học về quan điểm giảng dạy. Khi về nước, thầy còn mang về một phương pháp học tập mới: đó là tự học và tham gia nghiên cứu khoa học sớm. Các sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản vừa đủ để tham gia nghiên cứu khoa học.

Thầy luôn giới thiệu cho sinh viên những vấn đề rất mới, qua đó giúp cho những người làm toán học được tiếp cận với các hướng nghiên cứu hiện đại. Thầy đã mời nhiều nhà Toán học có uy tín trên thế giới tham dự các kỳ hội thảo quốc tế tổ chức ở TPHCM, qua đó nâng cao vị thế của nền toán học Việt Nam trên thế giới và khu vực. 

3. Bài học thứ 3 là cách xử thế. Thầy luôn luôn giúp đỡ mọi người, không chỉ riêng học trò của mình, qua các việc như là nhận xét một luận án, tham gia hoặc chủ trì Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước, và đặc biệt là tích cực ủng hộ họ trong các cuộc họp của Hội đồng ngành Toán.

Mặt khác, thầy luôn luôn vun đắp và mở rộng các mối quan hệ bạn bè. Từ tình bạn lâu đời với GS L. Knopoff ở UCLA, GS E.Hewitt ở Washington State University, hay GS D.Daykin ở Nanyang University, nay là ĐH Quốc gia Singapore vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, đến các quan hệ bạn bè mới sau này như với các GS Alain Phạm, K.Smith, R.Gorenflo… Đối với họ, GS Đặng Đình Áng không chỉ là bạn bè mà còn là cộng tác viên trong những công trình nghiên cứu Toán học. 

Trong nước, thầy Đặng Đình Áng là một trong số ít nhà Toán học được giới Toán học cả hai miền quý mến. 

4. Bài học cuối cùng là nhân sinh quan lạc quan của thầy. Năm 1975, khi thầy có cơ hội xuất cảnh ra nước ngoài, nhưng đã chọn ở lại với đất nước, với học trò và đồng nghiệp. Chính nhờ tinh thần lạc quan mà thầy đã vượt qua được những lúc khó khăn nhất trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước đầu những năm 80.

Hoạt động khoa học của GS Áng phần lớn nằm trọn trong giai đoạn 1975-1995. Khoảng 60 bài viết của GS Áng nằm trong khoảng 1979-1996. Năm 1996, Việt Nam được giải tỏa cấm vận thì GS Áng về hưu, năm đó ông 70 tuổi. Do đó có thể nói: ông là “Nhà Toán học của thời kỳ cấm vận”.

Trong lúc điều kiện làm việc không thuận lợi, thầy vẫn vui vẻ dạy học trò và hàng ngày lấy việc đi bộ ra chợ làm thú vui nho nhỏ. Thầy cũng đã đem tinh thần lạc quan đến cho nhiều học trò của mình. Những năm gần đây, khi ngồi với chúng tôi, thầy hay nói “mình ở đây sướng thật!”.

Và có lẽ cũng với tinh thần lạc quan đó, thầy đã lấy các buổi hòa nhạc, nhất là các buổi hòa nhạc của Câu lạc bộ Hoa sen để tô thêm nét đẹp cho các kỳ hội nghị quốc tế mà thầy đứng ra tổ chức. “Tôi thổi Mozart bằng tâm hồn Việt. Thổi để không quên dân ca mình. Tôi ăn món ăn nước ngoài cũng bằng dạ dày Việt. Ăn để thấy các cụ nhà ta thật sành… ẩm thực”, GS Đặng Đình Áng tâm sự.

Cuộc sống riêng của thầy rất hạnh phúc. Thầy với cô sống với nhau hơn 60 năm, qua cái tuổi mà người ta vẫn tổ chức “Đám cưới Vàng” và “Đám cưới Kim cương”. Thầy và cô có năm người con thì ba người đã theo đuổi sự nghiệp Toán học. Cô con gái đầu và cô con gái út tuy theo ngành khác nhưng có chồng là những người nghiên cứu Toán học.

Sự nghiệp nghiên cứu của GS Áng là sự tổng hợp hài hòa lĩnh vực Giải tích Phi tuyến, Cơ học và Bài toán ngược. Năm 1955, ông đạt giải thưởng của Viện Khoa học Hàng không tại Forworth, Texas nhờ công trình nghiên cứu về chất lỏng nhớt nén được. Ông cũng là một trong những người nghiên cứu tiên phong về lĩnh vực cơ học phá hủy.

Khi về Việt Nam, làm Trưởng ban Toán Đại học Khoa học Sài Gòn (1960 - 1975), rồi Trưởng bộ môn Giải tích, khoa Toán Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM) GS Đặng Đình Áng tiếp tục nghiên cứu các lĩnh vực Giải tích phi tuyến, Bài toán ngược. Ông công bố trên 120 bài báo trên các tạp chí uy tín thế giới và Việt Nam.

GS-TS NGUYỄN HỮU ANH - GS-TS ĐẶNG ĐỨC TRỌNG
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM

Tin cùng chuyên mục