Được sự quan tâm, ủng hộ bằng nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành, cùng sự nỗ lực vượt bậc của người dân, doanh nghiệp và lãnh đạo, nhờ đó TPHCM đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế cả nước.
Chỉ tính riêng năm 2022, TPHCM đã nộp ngân sách trên 471.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng thu ngân ngân sách cả nước. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, tiềm năng, lợi thế của TPHCM chưa được khai thác hiệu quả: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; nhà ở, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân…
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, tạo xung lực mới cho TPHCM phát triển toàn diện, đóng góp nhiều hơn, ngày 30-12-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiều giải pháp, chiến lược đột phá, trong đó có ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế TPHCM.
Nhà báo Phạm Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Với mục tiêu hiến kế thực hiện các nhiệm vụ nói trên thành công, sáng nay 9-2, Báo SGGP tổ chức Tọa đàm “Giải pháp Hình thành trung tâm tài chính quốc tế TPHCM”.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính và môi trường.