Chiều 18-3, tiếp tục phiên họp của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đăng đàn trả lời chất vấn.
Người đứng đầu ngành ngoại giao được đề nghị làm rõ về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch cũng là những vấn đề được Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn giải trình.
Ngoài ra, còn có nhóm vấn đề công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn.
ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhận định, trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn được bình chọn là điểm đến ưa thích của khách du lịch. Việt Nam cũng đã đơn phương hoặc ký kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm tạo điều kiện cho việc thu hút du lịch, tạo thuận lợi cho việc đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, du lịch cũng rất nhiều. Tuy nhiên, còn khá ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực của công dân Việt Nam còn gặp khá nhiều khó khăn, phức tạp.
Nữ ĐB chất vấn: “Vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này như thế nào? Bộ có giải pháp gì để cải thiện tình hình này, tạo thêm thuận lợi cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp visa cho người nước ngoài vào Việt Nam cho tương xứng với vị thế của đất nước trong giai đoạn hiện nay”? Công dân Việt Nam xin thị thực còn khó khăn, dù vị thế của đất nước đã được cải thiện rất nhiều.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ này đã phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.
“Hiện có 13 nước được Việt Nam miễn thị thực đơn phương, là những địa bàn trọng điểm có nhiều khách du lịch đến Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, để tạo điều kiện hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang đàm phán miễn thị thực song phương với một số nước, trước hết về thị thực ngoại giao, công vụ”, ông Bùi Thanh Sơn cung cấp thông tin.
Là ĐB của một tỉnh có biên giới, ĐB Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình triển khai thực hiện, lộ trình và giải pháp thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác, thu hút đầu tư trong thời gian tới để các địa phương biên giới có điều kiện mở mới, nâng cấp các cửa khẩu, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và lợi thế sẵn có của vùng biên giới để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới.
Bộ trưởng cho biết, nước ta có 25 tỉnh giáp biên giới trên bộ với các nước láng giềng. Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quy hoạch tổng thể về việc nâng cấp các cửa khẩu của Việt Nam với đối tác láng giềng, phù hợp với Luật Quy hoạch 2017 và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã được Quốc hội thông qua. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai ngoại giao kinh tế cũng như hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Xác định nhiệm vụ quan trọng là phải khai thác được đường biên giới hòa bình hữu nghị, cùng phát triển, cùng có lợi, Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch tất cả các cửa khẩu, đồng thời phối hợp với các đối tác nâng cấp cửa khẩu để đảm bảo lưu thông hàng hóa, con người giữa các nước.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt 2 câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. “Sau đại dịch Covid-19, có không ít trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài không về nước làm các đối tượng khác đi học khó khăn. Các đại sứ quán, tổng lãnh sự có biện pháp gì can thiệp đưa các đối tượng này về nước để lập lại kỷ cương? Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có giải pháp gì để doanh nghiệp trong nước thuận lợi xuất khẩu hàng hóa và hạn chế đến mức thấp nhất bị lừa gạt hoặc tranh chấp?”, ĐB Phạm Văn Hòa thẳng thắn phát biểu.
Trả lời ĐB Phạm Văn Hòa về công tác bảo hộ công dân, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, sau đại dịch Covid-19 thì giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế tiếp tục phát triển rất mạnh mẽ. Năm 2022 có khoảng 3,8 triệu lượt công dân của Việt Nam ra nước ngoài. Nhưng năm 2023 lên đến hơn 10 triệu lượt người ra nước ngoài lao động và học tập. Số du học sinh của ta quay trở lại học ở các nước tăng lên nhanh.
“Trong bối cảnh đó, xảy ra một số vi phạm pháp luật các nước ảnh hưởng đến hợp tác của nước ta với các đối tác. Do đó, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo cho các bộ, ngành liên quan phải xây dựng một quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động nước ta sang nước ngoài lao động; đảm bảo chấp hành tốt quy định của nước sở tại, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại và của quan hệ giữa 2 nước”, người đứng đầu ngành ngoại giao phát biểu.