Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong Đại thắng Mùa xuân năm 1975

Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020), Báo Sài Gòn Giải Phóng trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận đề dẫn “Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong Đại thắng Mùa xuân năm 1975”của Thường trực Thành ủy TPHCM trên bản in số báo hôm nay và trên SGGP Online: sggp.org.vn. 
Nhân dân Sài Gòn đón mừng Quân Giải phóng ngày 30-4-1975. Ảnh: TƯ LIỆU
Nhân dân Sài Gòn đón mừng Quân Giải phóng ngày 30-4-1975. Ảnh: TƯ LIỆU

LTS: Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020), hôm nay 8-7, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 - Đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”. Tại hội thảo, Thường trực Thành ủy TPHCM có tham luận đề dẫn “Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong Đại thắng Mùa xuân năm 1975”.

Báo Sài Gòn Giải Phóng trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận đề dẫn của Thường trực Thành ủy TPHCM trên bản in số báo hôm nay và trên SGGP Online: sggp.org.vn.

Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh hơn 21 năm luôn xông pha trong bão táp của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay tại trung tâm sào huyệt của địch, thành phố không ngừng sáng tạo trong xây dựng và mở rộng thế trận lòng dân, xây dựng căn cứ địa cách mạng từ lòng dân đến vành đai căn cứ cách mạng nội - ngoại thành (như Địa đạo Củ Chi, Rừng Sác, Bàn Cờ, Bảy Hiền…); thực hiện sáng tạo, phối hợp chặt chẽ phong trào đấu tranh của các tầng lớp Nhân dân với các lực lượng kháng chiến. Sài Gòn là nơi diễn ra những trận đánh độc đáo, quyết định và cuối cùng của chiến tranh cách mạng để giải phóng Sài Gòn, góp phần trực tiếp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Một trong mốc son của Đảng bộ thành phố là góp phần xứng đáng vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau những nỗ lực của toàn dân và toàn quân lần lượt đánh bại “Chiến tranh đơn phương”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”; trong xuân - hè 1972 ta đã giành được những thắng lợi to lớn ở Đông Nam bộ, Bắc Tây Nguyên và nhất là ở Mặt trận Quảng Trị, cùng với xu hướng chống chiến tranh xâm lược Việt Nam trên thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ, sau khi thất bại thảm hại trên bầu trời Hà Nội, trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta, Mỹ mới chịu ký Hiệp định Paris. 
Toàn bộ hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao của chúng ta trong gần 2 năm 1973-1974, mà đòn tiến công quân sự là chủ yếu, mới thực sự tạo ra thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Về mặt quân sự, chúng ta đã đánh bại âm mưu và hành động lấn chiếm của quân đội Sài Gòn trên cả ba vùng chiến lược. Mặt khác, vùng giải phóng còn được mở rộng, củng cố vững chắc, nhất là Bắc Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Đó là những địa bàn trọng yếu, tạo thế đứng chân cho những binh đoàn cơ động chiến lược. Ở những nơi khác, hoạt động của bộ đội địa phương, du kích và phong trào chính trị quần chúng phát triển mạnh, buộc địch phải căng lực lượng chiếm giữ, làm thất bại cơ bản âm mưu bình định của chúng. 
Đến giữa năm 1974, các lực lượng vũ trang đã giữ quyền chủ động tiến công địch trên chiến trường; ta giải phóng được nhiều vùng đất rộng, đông dân, cả ở vùng đồng bằng và thành phố; cùng với các phong trào đấu tranh chính trị đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình, độc lập không ngừng phát triển, làm cho địch lung lay, rúng động. Tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm: “Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975-1976,… Thời cơ này không cho phép lừng chừng, do dự”(1). Đến tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị đã kết luận: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”(2).
Hòa cùng khí thế cách mạng ở miền Nam, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Đảng bộ Thành phố Sài Gòn - Gia Định lãnh đạo các phong trào đấu tranh chính trị đô thị phát triển mạnh mẽ, liên tục, tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng khắp, Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành lập Trung đoàn Quyết Thắng (Trung đoàn Gia Định 1); lực lượng vũ trang nội đô được củng cố lại gồm các đội biệt động, đặc công, các lực lượng vũ trang và bán vũ trang của Thành đoàn, Công vận, Phụ vận, Hoa vận, Tuyên huấn…
Trước tình hình diễn biến hết sức nhanh chóng, quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị quyết tâm giành thắng lợi ngay trong tháng 4 năm 1975, không thể để chậm hơn, ngày 29 tháng 3 năm 1975, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ thị, đề ra nhiệm vụ khẩn cấp: “Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng chiến lược, vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sụp toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân với khí thế tấn công quyết liệt, thần tốc, táo bạo, quyết giành toàn thắng, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam”(3). 
Ngay lập tức, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng nổi dậy hòa nhịp với tổng tiến công. Căn cứ của Thành ủy được chuyển về ngay sát thành phố, tiến hành phân thành hai cánh A và B phụ trách nội đô và vùng ven, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phát triển lực lượng và chuẩn bị các phương án nổi dậy. 
Ngày 12 tháng 4 năm 1975, Ban Thường vụ Thành ủy ra Chỉ thị hướng dẫn các cấp trong Đảng bộ những việc cần làm ngay trước, trong và sau khi thành phố được giải phóng. Chỉ thị khẳng định: “Hiện nay chúng ta đang ở thời kỳ trực tiếp cách mạng tại thành phố, là giai đoạn tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân”(4), và chỉ rõ nội dung thời cơ khởi nghĩa như sau: “Thời cơ khởi nghĩa là lúc mà các cuộc công kích và khởi nghĩa của ta xung quanh thành phố thành công lớn, lực lượng quân sự địch bảo vệ thành phố bị đánh sụp, bọn địch đảo chính lẫn nhau hoặc thay đổi cấp lãnh đạo chóp bu, hàng ngũ địch rối loạn, không kiểm soát được tình hình hoặc rút khỏi thành phố. Lúc nào, dù quân chủ lực chưa vào cũng phải phát động quần chúng nổi dậy tiến công và khởi nghĩa, chống mọi tư tưởng ỷ lại, trông chờ”(5).
Ban Thường vụ Thành ủy cũng khẳng định: Trước hết phải giành chính quyền ở cơ sở, đập tan bộ máy kềm kẹp của địch ở xóm, phường, xã, xí nghiệp, trường học, chợ… Từ khởi nghĩa cơ sở nhanh chóng chuyển lên giành chính quyền ở từng quận và toàn thành phố, tiếp quản thành phố, phải nhanh chóng xây dựng chính quyền cách mạng, truy quét bọn tàn quân và thực hiện các chính sách của Chính phủ và Mặt trận đã đề ra.
Thành ủy cho phát hành những tài liệu quan trọng như:
- Lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân Cách mạng Sài Gòn - Gia Định.
- Bảy điều về chính sách binh vận của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
- 10 chính sách đối với vùng giải phóng.
- Tài liệu hướng dẫn quần chúng hành động (trước, trong và sau khi tổng công kích - tổng khởi nghĩa).
Thành ủy còn tổ chức lại việc phân công chỉ đạo của các cánh A và B cho phù hợp với nhiệm vụ giải phóng thành phố.
Cánh A trước đây chỉ phụ trách nội thành, nay phụ trách địa bàn gồm: Bình Chánh, Nhà Bè và đô thị Sài Gòn. Đồng chí Mai Chí Thọ - Bí thư Thành ủy phụ trách Cánh A. Đồng chí Võ Văn Kiệt thay mặt Trung ương Cục xuống phổ biến các nghị quyết và trực tiếp chỉ đạo cánh này.
Cánh B phụ trách các địa bàn: Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức và thị xã Gia Định. Phụ trách Cánh B là đồng chí Nguyễn Thành Thơ - Phó Bí thư Thành ủy.
Từ căn cứ Long Định (Long An), Thành ủy di chuyển, tiến dần về thành phố. Cánh A nhanh chóng bám sát Vườn Thơm; Cánh B vận động xuống phía Nam Củ Chi. 
Các ban, ngành, đoàn thể cũng tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho khởi nghĩa với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”.
Hầu hết đảng bộ các quận, huyện, ban, ngành đều xúc tiến thành lập Ủy ban Khởi nghĩa. Mỗi ban được phân công phụ trách từng khu vực và có đầy đủ phương án khởi nghĩa.
Về lực lượng vũ trang, Thành đội rút một đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích và cả cán bộ dân chính của các ngành, các cơ quan đóng ở Củ Chi để thành lập thêm Trung đoàn “Gia Định 2” lấy tên là “Trung đoàn Đất Thép”. Trung đoàn có 800 chiến sĩ, trong đó gần phân nửa là đảng viên, đã không quản ngày đêm ra sức rèn luyện và học tập để tham gia chiến dịch. Trung đoàn Quyết Thắng (Gia Định 1) cũng được củng cố và bổ sung thêm một đại đội.
Phần lớn bộ đội của các huyện ngoại thành đã được phiên chế thành các đại đội. Riêng Củ Chi, Thủ Đức phiên chế đến tiểu đoàn. Trong nội thành, tuy hoàn cảnh khó khăn hơn, nhưng các quận, ban, ngành cũng lập được các đội dân quân du kích mật, các đội tuyên truyền vũ trang, vũ trang tự vệ. Thị xã Gia Định có 26 cơ sở vũ trang. Đặc biệt, quận 11 đã thành lập được 1 đại đội bộ đội địa phương.
Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng vũ trang toàn thành phố đã có 2 trung đoàn và 4 tiểu đoàn tập trung; mỗi quận, huyện trung bình có từ 1 đến 2 đại đội; gần 3.500 dân quân du kích; hàng ngàn tự vệ, du kích mật.
Thành phố còn được Bộ Chỉ huy Miền tăng cường 6 trung đoàn đặc công (gồm trung đoàn 10, 113, 115, 116, 117 và 429); 1 lữ đoàn biệt động (Lữ đoàn 316 gồm 4 tiểu đoàn được bố trí ở ngoại thành và 9 đội chia thành 60 tổ bố trí ở nội thành).
Tổng quân số lực lượng vũ trang của thành phố tham gia chiến dịch lên đến hơn một vạn người được bố trí trên các hướng:
Phía Bắc có Trung đoàn Đặc công 115, các Z28, Z31, Z32 của Tiểu đoàn Biệt động 80 và Trung đoàn Đất Thép, đảm nhiệm khu vực từ cầu Bình Phước - Quốc lộ 1 - Bà Quẹo; xây dựng các bàn đạp ở Trung An, Thạnh Mỹ, Quới Xuân, Thạnh Lộc và An Phú Đông (Gò Vấp); chuẩn bị tiến đánh các mục tiêu: sân bay Tân Sơn Nhất, căn cứ pháo binh Cổ Loa, căn cứ thiết giáp Phù Đổng, Bộ Tổng Tham mưu ngụy.
Phía Tây có các Trung đoàn Đặc công 117, 429, các Z25, Z26, Z30 của Tiểu đoàn Biệt động 82 cùng Tiểu đoàn 197 của Thành đội đảm nhiệm khu vực từ phía Tây quốc lộ 1 đến phía Bắc lộ 4; xây dựng bàn đạp ở vùng Bình Trị, Tân Nhật, Tân Túc, Tân Tạo, Mỹ Hạnh, Vinh Lộc (Bình Chánh); chuẩn bị đánh các mục tiêu: Đài radar Phú Lâm, Đài phát tin Phú Thọ, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát.
Phía Đông có Trung đoàn 10 - Đặc công, Z22, Z23, Z24 biệt động cùng Tiểu đoàn 4 của Thành đội có nhiệm vụ xây dựng bàn đạp ở vùng Bưng Sáu Xã (Thủ Đức). Đảm nhiệm khu vực từ Ngã ba Cát Lái đến lộ 13; đánh địch trên sông Sài Gòn, Rừng Sác; chiếm căn cứ Hải quân, Cảng Sài Gòn…
Lực lượng vũ trang còn lại được phân công đánh một số mục tiêu, tiêu diệt sinh lực và kho tàng của địch; diệt đồn bót và phân chi khu; hỗ trợ cho quần chúng ở một số nơi vùng ven nổi dậy; xây dựng các “lõm” du kích tạo thành hành lang, bàn đạp cho chủ lực tiến vào; vận chuyển phương tiện, vũ khí, chất nổ vào thành phố; lập các kho dự trữ vũ khí ở vùng ven; tập dượt để đánh vào các mục tiêu được quy định và để chiếm giữ các cây cầu trên các ngả đường huyết mạch vào thành phố.
Lực lượng vũ trang an ninh Sài Gòn - Gia Định chia làm 4 cụm có nhiệm vụ phối hợp đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát, Nha Cảnh sát Đô thành, các ty cảnh sát quận và một số cơ quan quan trọng khác của địch. Lực lượng Quân báo đảm nhiệm việc đánh chiếm trụ sở Cơ quan Tình báo Trung ương của địch.
Lực lượng công nhân, theo chủ trương của Ban Công vận, tham gia khởi nghĩa chủ yếu là ở khu phố, còn một bộ phận có nhiệm vụ chiếm lĩnh và bảo vệ các xí nghiệp, nhà máy không để cho địch phá hoại. Các ban cán sự Đảng lãnh đạo công nhân khởi nghĩa được thành lập.
Lực lượng Thành đoàn ở vùng căn cứ chia thành hai mũi cùng với hai bộ phận của Bộ Chỉ huy tiền phương sẵn sàng tiến vào thành phố theo hướng Tây Bắc (Củ Chi - Hóc Môn) và hướng Tây Nam (Tiền Giang, Long An, Bình Chánh). Ngoài ra, còn có 500 cán bộ, đoàn viên sẵn sàng thâm nhập thành phố phát động quần chúng khởi nghĩa. Trong nội đô, Thành đoàn được phân công trực tiếp phát động quần chúng khởi nghĩa ở các khu vực: Bàn Cờ, Vườn Chuối, Đa Kao, Tân Định, Phú Nhuận, Khánh Hội - Vĩnh Hội, Tân Phú, Bảy Hiền.
Ban Hoa vận bố trí lực lượng lãnh đạo khởi nghĩa ở 10 vùng trọng điểm thuộc các quận 5, 6 và 11, mỗi vùng cử về 2 đến 5 cán bộ tổ chức thành tiểu ban khởi nghĩa. Bà con người Hoa chuẩn bị khởi nghĩa rất sôi nổi, nhất là ở các vùng chợ Bình Tây, Tổng đốc Phương,...
Ban Phụ vận đã lập danh sách Ủy ban nhân dân Cách mạng vùng trọng điểm quận 2, tại Phú -Tân - Sơn, cán bộ phụ vận đã tổ chức các ban cứu phòng, tiếp tế, y tế, trật tự vệ sinh; mở lớp huấn luyện cứu thương; tổ chức đào hầm; chuẩn bị các cơ sở in ấn.
Ban Binh vận đã hướng dẫn cho đảng viên, quần chúng tham gia cảnh cáo ngụy quyền, trừng trị ác ôn và tuyên truyền các chính sách của Mặt trận và của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Các cơ sở binh vận ở căn cứ Đồng Dù, xưởng Ba Son, Bộ Chỉ huy Biệt động quân ngụy, Trường Quân sự Quang Trung... khẩn trương chuẩn bị để hiệp đồng chiến đấu.
Lực lượng tình báo của ta trong cụm B58 (cơ sở tình báo K2 ở Đồng Dù, Z20, M10 ở trung tâm truyền tin tình báo của địch và A7, Z1, Z22, Z27...) cũng tích cực hoạt động nắm tình hình để kịp thời cung cấp cho lãnh đạo.
Ban Trí vận đã triệu tập các đảng viên và cốt cán làm công tác trí vận nằm vùng trong nội đô ra căn cứ để được hướng dẫn và động viên chuẩn bị mọi công việc cho giai đoạn cuối cùng. Thành ủy yêu cầu đảng viên và những cốt cán của ta trong lực lượng trí vận hình thành các nhóm, chủ động theo dõi Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Phát thanh Giải phóng để kịp thời nắm chủ trương, chỉ đạo của ta và biết linh hoạt sáng tạo tìm cách làm suy yếu hàng ngũ địch, tập hợp lực lượng đánh đổ ngụy quyền từ bên trên và từ trong ruột đánh ra.
Trước ngày tổng tiến công và tổng khởi nghĩa, ở thành phố có hơn 700 cán bộ, trong đó cán bộ cấp Thành ủy và tương đương có 12 đồng chí; cấp quận ủy và tương đương có 60 đồng chí. Ở vùng ven có hơn 1.000 cán bộ. Ngoài ra, còn có 1.300 cán bộ ở cách thành phố từ 10 đến 15km, sẵn sàng vào thành phố. Nội thành và vùng ven có 1.200 đảng viên (nội thành 735 người) và hơn 10.000 quần chúng nòng cốt.
Thành phố đã xây dựng được 40 lõm chính trị với hơn 7.000 quần chúng đã giành quyền làm chủ ở các mức độ khác nhau, 400 tổ chức công khai, tổ chức quần chúng với gần 25.000 quần chúng; tổ chức hàng chục cơ sở in ấn và đã in hàng triệu bản tài liệu, truyền đơn để phổ biến các chính sách của Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 
Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định đã khẩn trương, tập trung chỉ đạo các lực lượng quân sự, chính trị và binh vận thực hiện các bước tiến công chuẩn bị chiến trường cho trận quyết chiến chiến lược và cuộc tổng nổi dậy của các tầng lớp Nhân dân. Thời cơ đã đến, phối hợp với cuộc tấn công của những quân đoàn chủ lực từ ngoài đánh vào, các lực lượng vũ trang địa phương, du kích, biệt động, đặc công ở ven đô và nội đô đã nổi dậy tiến đánh các mục tiêu được phân công, làm tròn nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc.
Trên hướng Tây và Tây Bắc, lực lượng Thành đội Sài Gòn - Gia Định tiêu diệt hàng chục đồn bót tại Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Đức Hòa, Bình Chánh; trên hướng Đông và Đông Bắc, lực lượng vũ trang địa phương tiến công đồn bót, đánh địch càn quét tại Thủ Đức, Bưng Sáu Xã; các đội đặc công, biệt động và lực lượng vũ trang Thành đội xây dựng cơ sở áp sát vùng ven và bám sâu vào nội đô. Lực lượng Thành đội Sài Gòn - Gia Định mở thêm nhiều vùng lõm giải phóng; các đội biệt động và bộ đội địa phương đứng vững chân tại Gò Vấp, Hóc Môn, Nam - Bắc Bình Chánh, Tân Bình, Nam Thủ Đức, phối hợp với 6 trung đoàn đặc công và Lữ đoàn Đặc công - Biệt động 316 của Miền, cơ động áp sát địch tại Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức.
Nhân dân nhiều nơi đã nổi dậy trấn áp địch, giải tán nhiều toán phòng vệ dân sự, ban tề ấp, khóm và tiếp tục củng cố, phát triển các lõm chính trị nội thành, hoàn chỉnh phương án đánh chiếm đầu cầu và các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Khi các binh đoàn chủ lực tiến sát nội đô, lực lượng chính trị đã phối hợp tốt với lực lượng vũ trang tại chỗ đánh chiếm các mục tiêu và căn cứ trong nội thành. 
Lực lượng vũ trang quận, huyện tiến công tiêu diệt và làm cho địch tan rã tại chỗ; Nhân dân đồng loạt nổi dậy làm chủ, treo cờ giải phóng tại trụ sở hành chính; công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp đứng lên làm chủ xưởng, hãng, kho hàng… không cho địch phá hoại, phân tán, bảo vệ, duy trì hoạt động; đặc biệt công nhân các xí nghiệp dệt, nhà đèn, nhà máy nước đã giữ nguyên vẹn cơ sở vật chất, tiếp tục sản xuất đảm bảo cho Nhân dân thành phố sinh hoạt bình thường.
Suốt ngày 29 đến sáng ngày 30 tháng 4, toàn thành phố đã có 107 điểm nổi dậy (31 điểm ở ngoại thành, 76 điểm ở nội thành) trước khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Được lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ, Nhân dân đã tự giải phóng các huyện, lỵ Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh; chiếm trụ sở hành chính các Quận 3, 5, 8, 10, 11 và Tòa Hành chánh tỉnh Gia Định, hai ty cảnh sát quận 3 và quận 5.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, đó là sự thành công của kết hợp đúng đắn, tuyệt vời của tổng tiến công và nổi dậy, “Quần chúng đã vào trận chiến đúng lúc, không quá sớm cũng không quá muộn. Hành động yêu nước của Nhân dân tạo ra khí thế cách mạng tràn ngập đường phố, là sức mạnh to lớn. Đây là cái quý nhất của quần chúng Sài Gòn - Gia Định và đây cũng là kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức và rèn luyện trong đấu tranh qua nhiều năm của Đảng bộ thành phố”(6).
Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định bằng tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, với ý chí và nghị lực phi thường đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng huy hoàng của Đại thắng mùa Xuân 1975. Trong quá trình Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Gia Định tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều bài học, kinh nghiệm được rút ra và vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Đó là, bài học nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt, là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi. Bài học về mở rộng và nâng cao thế trận lòng dân, xây dựng vững chắc căn cứ lòng dân, phải luôn luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, phát huy sức mạnh vô địch của Nhân dân thì mới thắng lợi, cách mạng mới thành công; phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, chú trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Bài học về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, là người chiến sĩ cách mạng vì dân, vì nước mà tận tụy phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh quên mình. 
Bốn mươi lăm năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn tâm nguyện thực hiện kỳ vọng của Bác Hồ, của Đảng cùng các thế hệ cách mạng đi trước đã giao, xem đó là vinh dự và trách nhiệm của mình. Ngày nay, Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đồng lòng, chung sức “cùng cả nước, vì cả nước” xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình; mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên, lên trước; gắn bó với Nhân dân; đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Quyết tâm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, nơi có chất lượng sống tốt, xứng đáng với niềm tin cả nước, với Trung ương Đảng, Quốc hội vào Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố; xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thành phố Anh hùng.
-----------------------
(1) Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nhà xuất bản Sự thật, Hà nội, 1985, trang. 369.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, t.36, tr. 10
(3) Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954 - 1975), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 1076.
(4) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 891
(5) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh 1930 -1975, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 892
(6) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân 1975, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội 1976, tr.299

Tin cùng chuyên mục