Đàn yến nhiều tỉnh thành giảm 20%-40%, có nơi trên 50%

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu như khô hạn kéo dài, tình trạng săn bắt chim yến (để phóng sinh)... nên đàn yến tại các địa phương bị suy giảm đáng kể, trung bình từ 20%-40%, có nơi lên đến 50%.

Đàn yến nhiều tỉnh thành giảm 20%-40%, có nơi trên 50%

Phát biểu tại buổi triển khai kế hoạch thời gian tới và giao lưu các doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến ngành yến ở TPHCM, ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam (VSFA) cho biết, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu như khô hạn kéo dài, tình trạng săn bắt chim yến (để phóng sinh)... nên đàn yến tại các địa phương bị suy giảm đáng kể, trung bình từ 20%-40%, có nơi lên đến 50% như Gò Công Đông (Tiền Giang), huyện Cần Giờ (TPHCM)... Nhìn chung, khu vực nhà yến dọc các tỉnh ven biển suy giảm nhiều.

Trong khi đó, thị trường trong nước về tổ yến và các sản phẩm chế biến từ yến khó xác định chất lượng sản phẩm. Tổ yến từ các nước trong khu vực không rõ nguồn gốc, chất lượng thấp, dễ dàng nhập khẩu, bị trộn lẫn tổ yến trong nước, được khẳng định về chất lượng để bán giá cao đã và đang diễn ra.

Trong khi đó, việc các địa phương lúng túng, chậm công bố quy hoạch khu vực được nuôi yến gây không ít khó khăn để phát huy tiềm năng ngành yến. Hiệp hội Yến sào Việt Nam (VSFA) khuyến cáo nhà đầu tư, người dân các địa phương không nôn nóng hay vội vàng xây dựng mới nhà dẫn dụ yến trong bối cảnh hiện nay sẽ gặp nhiều rủi ro.

Cũng theo ông Lê Thành Đại, từ cuối năm 2023 đến nay đã có 9 doanh nghiệp được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cấp mã code xuất khẩu tổ yến (yến sào) sơ chế hay sản phẩm chế biến từ yến xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xét duyệt thủ tục nhiêu khê, mất nhiều thời gian và công sức để được chứng nhận.

VSFA KÝ KẾT HỌP TÁC VỚI CÁC ĐƠN VỊ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU.jpg
VSFA ký kết hợp tác với các đơn vị quảng bá thương hiệu

Trong khi đó, ông Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) cho rằng, để ngành yến Việt Nam phát triển căn cơ, ổn định, cần có đề tài nghiên cứu về phát triển ngành yến trong nước, nhất là các tỉnh thành phía Nam, bao gồm vùng Tây nguyên. Việc ngăn ngừa tình trạng săn bắt yến đòi hỏi vai trò địa phương (xã, phường), có chế tài... Việc nhập khẩu tổ yến từ các nước trong khu vực cũng cần được quản lý chặt, theo những quy chuẩn cụ thể, tránh tình trạng quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng đến chất lượng và thị trường tổ yến trong nước.

Việc liên kết, kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa VFAEA và VSFA sẽ giúp cho ngành yến trong nước có điều kiện phát triển căng cơ, bền vững cũng như phối hợp nhau trong việc hỗ trợ kỹ thuật xây dựng nhà yến mới không lãng phí.

Hiện nay, VSFA có 247 hội viên, trong đó, có 50 là hội viên tổ chức, còn lại là hội viên cá nhân. Thời gian tới, VSFA phát triển mô hình hiệp hội yến sào các tỉnh, thành; phân công phân cấp, tăng tính tự chủ các chi hội. Nhiệm vụ chính của VSFA là định hướng, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu... cũng như kiện toàn, xây dựng các ban chuyên môn, đáp ứng nhu cầu hội viên.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện có 42 tỉnh với trên 22.000 nhà yến, tập trung tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, ven biển miền Trung và một số các tỉnh phía Bắc. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất (chiếm 80% thị phần toàn cầu), khoảng 300 tấn/năm.

Chất lượng sản phẩm tổ yến của Việt Nam được được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng và đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực nên được ưa chuộng. Đã có 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc. Trong đó, 9 doanh nghiệp sản xuất yến đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục