Theo đó, công văn số 1871 do ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở TN-MT, ký nêu việc người dân địa bàn xã Ngư Thủy Nam phản ánh nguồn nước ngầm bị tụt giảm và bị nhiễm phèn; Sở TN-MT đã tiến hành điều tra và kết quả cho thấy xã biển này hiện tập trung phát triển nuôi cá nước ngọt trên cát, với hơn 400 hộ đào hồ nuôi cá lóc, bình quân mỗi hộ 1 hồ với diện tích khoảng 125m²/hồ, chiều sâu mặt nước từ 0,8m-1m. Do đó việc khai thác sử dụng nước ngầm cùng một thời điểm là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm bị tụt.
Ông Phạm Văn Lương cũng cho biết thêm, trong những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm gia tăng thời tiết cực đoan, nhất là vào mùa khô khiến nhiệt độ tăng cao kết hợp với gió Tây Nam khô nóng đã làm hạ thấp mực nước ngầm tầng nông dải cát ven biển bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, trong đó tập trung từ tháng 4 đến tháng 7 gió nóng làm tăng lượng bốc hơi, giảm độ ẩm làm cạn nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.
Sở TN-MT Quảng Bình kết luận: Căn cứ vào đặc điểm, cấu trúc địa chất thủy văn khu vực và kết quả tính toán, việc người dân xã Ngư Thủy Nam phản ánh nước bị nhiễm phèn về mùa khô là có cơ sở, do sự biến đổi theo mùa liên quan đến yếu tố địa chất khu vực và việc tụt mực nước ngầm mà nguyên nhân chính là do động thái biến thiên theo mùa của tầng chứa nước với mức độ giao động từ 1-2m.
Trong một công văn khác là công văn 127 của Sở TN-MT cũng đã giải thích một số giếng khoan bị ô nhiễm là do số giếng khoan này gần nhà vệ sinh và chuồng lợn, nước thải thấm vào cát gây ảnh hưởng chất lượng nước. Đây là kết quả nghiên cứu chung giữa Sở TN-MT và Sở KH-CN tỉnh Quảng Bình.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân ven biển sử dụng tài nguyên nguồn nước ngầm hợp lý để tránh thiếu hụt vào mùa hè nắng nóng, làm ảnh hưởng đến nhiều người.