Vào những năm 1976-1980, có nhiều nhóm dân di cư theo diện kinh tế mới đến làm công nhân cho các lâm trường Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An. Các lâm trường cũng khuyến khích người dân trồng rừng, tham gia bảo vệ rừng, hay còn gọi là hoạt động lâm nghiệp xã hội. Người dân chuyên nghề đánh bắt thủy sản dưới lòng hồ Trị An cũng lên bờ, dần dần tạo ra những cụm dân cư đông đúc trong Khu bảo tồn.
Để bảo vệ rừng tốt hơn và tạo điều kiện cho những hộ dân sinh sống trong vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn đến điểm dân cư nông thôn theo quy hoạch, từ năm 2017, UBND huyện Vĩnh Cửu và Khu bảo tồn có kế hoạch di dời các hộ dân ra khỏi vùng lõi. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Vĩnh Cửu mới hỗ trợ, tái định cư cho 49 hộ dân tại cụm dân cư sinh sống dọc tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang (ấp 5, xã Mã Đà), với tổng kinh phí hơn 27,7 tỷ đồng. Hiện trong vùng lõi Khu bảo tồn còn 228 hộ, gần 1.000 nhân khẩu, thuộc khu vực Đồng 4, ấp 5, xã Mã Đà chưa di dời và đang thấp thỏm, âu lo vì dự án chậm triển khai.
Anh Võ Thuận Hải, cư dân vùng lõi Khu bảo tồn, bức xúc: “Các hộ dân sống trong vùng lõi mòn mỏi chờ đợi nhiều năm nay để được di dời, nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai. Hiện nhà cửa đã xuống cấp nhưng không được xây dựng, sửa chữa”. Còn theo người dân ở các ấp 3, 4, 6 của xã Mã Đà (vùng đệm Khu bảo tồn), đất đai sản xuất, canh tác do Khu bảo tồn quản lý và ký hợp đồng với các hộ dân trồng rừng. Hiện nay, khu vực này vẫn chưa được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xuống cấp chưa được sửa chữa, các công trình nước sạch, điện, đường, trường học còn thiếu, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Lý giải về việc chậm di dời, tái định cư, các đơn vị có trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai cho rằng, do khó khăn về kinh phí. Với đề án “Sắp xếp ổn định dân cư tại chỗ các ấp ven hồ Trị An” để bố trí, ổn định tái định cư cho 955 hộ/4.248 nhân khẩu và hơn 82,6ha đất rừng sản xuất, phải thu hồi để chuyển mục đích sang đất khác, kinh phí hơn 732,8 tỷ đồng. Cùng với đó, dự án di dời, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư ở vùng lõi, thu hồi 105,7ha rừng của các hộ dân thuộc diện di dời, với kinh phí thực hiện hơn 149,2 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn, chủ trương của tỉnh Đồng Nai làm tuyến đường dân sinh ven hồ Trị An để sớm đóng các tuyến đường ĐT 761 đi qua vùng lõi Khu bảo tồn nhằm quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, phục vụ tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, gắn với phát triển du lịch về nguồn, du lịch sinh thái hồ Trị An, sông Đồng Nai, Chiến khu Đ, giữ gìn “lá phổi xanh” của khu vực Đông Nam bộ.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã có buổi khảo sát hiện trạng sử dụng đất, thực trạng đời sống người dân các ấp trong khu vực thực hiện đề án di dời, làm việc với UBND huyện Vĩnh Cửu về đề án tái định cư và đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng xem xét, hỗ trợ địa phương hoàn thiện các thủ tục, triển khai nhanh đề án tái định cư và đường ven hồ Trị An để người dân sớm ổn định cuộc sống.