Ngày tôi lên TPHCM học đại học được ba dạy: “Ở thành phố xa lạ, người đông, con còn nhỏ không biết ai tốt, ai xấu. Vậy nên, khi đang đi ngoài đường, có cần hỏi thăm đường đi hay bất cứ điều gì, con cứ tìm các chú cảnh sát giao thông (CSGT) mà hỏi”. Và thói quen cần hỏi đường thì tìm chú CSGT vẫn theo tôi đến khi tôi đã đi làm và rành nhiều con đường nơi phố thị.
Hôm ấy khi tôi đang ngồi trong quán nước ven quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) thì thấy bên ngoài một người đàn ông chở theo đứa con nhỏ hốt hoảng nói: “Chú công an ơi, con tôi đang bị con gì đó chui vào lỗ tai, chú làm ơn đưa giúp cha con tôi vào bệnh viện, trễ e con tôi chết mất”. Xen lẫn tiếng nói run run của người đàn ông là tiếng đứa bé tầm 10 tuổi đang vừa khóc vừa ôm chặt tai và kêu đau thảm thiết. Vội chạy ra xem, tôi thấy anh CSGT tuổi còn rất trẻ dùng bộ đàm báo về đơn vị xin phép bỏ chốt trực để đưa người đi cấp cứu. Nhìn vào bảng tên tôi thấy ghi: Trung úy Tô Hoàng Thịnh. Trên xe mô tô đề Đội CSGT Đa Phước. Vừa dứt báo cáo xin phép, anh Thịnh nhanh chóng nổ máy xe, mở còi ưu tiên và nhanh chóng đưa hai cha con lẫn vào dòng người đông đúc dưới cái nắng oi ả.
Gặp Trung úy Tô Hoàng Thịnh, nhắc lại câu chuyện trước đó một ngày, anh cười nói: “Việc em làm chính là nhiệm vụ của người công an nhân dân. Nếu là anh, chị khác gặp tình huống tương tự thì cũng sẽ hỗ trợ người dân giống như em thôi ạ. Khi người dân cần đến sự giúp đỡ thì chúng em sẵn sàng hỗ trợ”.
Không chỉ có tình huống tôi tận mắt chứng kiến ấy mà theo lời đồng nghiệp, anh Thịnh là tấm gương trong ứng xử để nhiều đồng nghiệp học tập. Lần đó anh Thịnh và đồng đội đang chốt trực trên đường Dương Bá Trạc (quận 8) vào buổi tối. Thấy một thanh niên vượt đèn đỏ, đầu không đội nón bảo hiểm. Anh Thịnh lái xe mô tô chạy theo ra hiệu dừng lại nhưng thanh niên cứ chạy. Anh Thịnh chạy theo thuyết phục anh thanh niên bình tĩnh cho xe vào lề để trao đổi, nếu vì hoàn cảnh sẽ hỗ trợ. Lúc này người thanh niên mới tấp xe vào lề. Qua chuyện trò, anh Thịnh biết nhà anh này ngay hẻm trước mặt, anh đang đi làm thì nhận tin mẹ già trượt chân té ngã nên vội chạy về, không kịp đội nón bảo hiểm dù nón đang treo trên xe. Nhìn vẻ lo lắng trên gương mặt người thanh niên, anh Thịnh không ghi giấy phạt, chỉ nhắc nhở để người dân hiểu khi lưu thông trên đường phải tuân thủ luật nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người. Nhiều lần khác, chính anh Thịnh cũng nhắc nhở phụ huynh phải đội nón bảo hiểm cho con, khi dừng xe phải đúng vạch quy định để con noi gương theo. Nhờ cử chỉ và lời nói nhẹ nhàng của Trung úy Thịnh mà nhiều người dân ý thức hơn khi tham gia giao thông trên đường. Anh Thịnh tâm sự: “Trong mọi tình huống, nếu mình biết cách ứng xử phù hợp sẽ giúp người dân càng thêm tin yêu. Mà khi người dân tin thì mình làm việc gì cũng thuận lợi”.
Từ khi mới vào nghề, anh Thịnh luôn học hỏi từ các anh chị đi trước cách xử lý vụ việc sao cho thật hợp tình, hợp lý. “Lần đầu mình xử lý chưa khéo, thì lần sau rút kinh nghiệm. Anh em góp ý thì mình sửa đổi, dần dần bản thân sẽ tiến bộ hơn” - anh Thịnh bày tỏ. Bởi anh nghĩ, nhiệm vụ của người CSGT không chỉ có điều tiết giao thông, xử phạt các vi phạm mà lớn nhất vẫn là giúp người dân hiểu đúng luật để lưu thông thật an toàn.
Theo anh Thịnh, tất cả việc làm của anh là nhờ vào công lao chỉ dạy của người cha ít chữ và học tập theo tấm gương của Bác Hồ. “Học Bác thì phải học hoài, học mãi cả đời mình vẫn chưa hết được. Học tập Bác, em luôn tự nhủ bản thân trong mọi việc phải lấy lợi ích nhân dân mà tận tụy hoàn thành. Còn trong cuộc sống và công việc hằng ngày, mỗi khi làm việc gì em cũng nghĩ nếu mình dành hết cái tâm để làm thì mọi việc sẽ tốt hơn.” - Trung úy Thịnh chia sẻ.