Khu vực thuộc Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn hiện trạng là bãi đất hoang, cây cỏ mọc um tùm. “Dấu ấn” sự xuất hiện của dự án là mấy bức tường rào cao khoảng 2m, có cửa sắt, nhưng các bức tường rào này đã đổ ngã ở nhiều vị trí. Bên trong, khu nhà điều hành và nhà ở cho công nhân xây dựng dang dở, nhiều phòng hư hỏng, đổ nát…
Ông Phạm Văn Hải (thôn Thanh Bình, xã Thúy Sơn) cho hay: “Dân chúng tôi thì không có đất canh tác, trong khi cả chục hécta đất màu mỡ bỏ hoang cả chục năm”.
Thông tin về dự án này, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn Lê Phúc Hành cho biết, Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (trụ sở tại Hà Nội) làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 2 triệu tấn/năm; khởi công năm 2007, nhưng đến năm 2011 thì dừng triển khai. Trong thời gian đó, chủ đầu tư mới chỉ san lấp mặt bằng, xây tường rào, khoan cọc nhồi, xây dựng khu nhà điều hành, nhà ở công nhân...
“Để làm dự án này phải thu hồi gần 40ha đất là vựa lúa của xã. Công ty cũng tuyển hơn 40 người ở địa phương đi học công nghệ xi măng tại Hải Phòng. Nhưng đến nay, ngót nghét 14 năm mà nhà máy xi măng vẫn chưa có, trong khi những người được đào tạo nghề đều đã lớn tuổi nên họ đã phải tìm việc khác để mưu sinh”, ông Hành cho hay.
Mới đây, xã Thúy Sơn đã lấy ý kiến người dân 5 thôn ảnh hưởng bởi Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn, là thôn Vân Sơn, Hồng Sơn, Lương Sơn, Giang Sơn và Thanh Bình. Tổng số 717 hộ dân được lấy ý kiến đều không đồng ý cho sản xuất xi măng vì ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân. Người dân đề nghị chủ đầu tư dự án xi măng chuyển sang lĩnh vực sản xuất khác như may mặc, giày da, lắp ráp thiết bị điện tử… hoặc chuyển đất cho đơn vị khác thực hiện nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương và thân thiện với môi trường.
Trước thực trạng tại Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn, UBND huyện Ngọc Lặc đã có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất này là đất công nghiệp, định hướng thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, hiện đại và thân thiện với môi trường.