Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở

Dân sẽ được biết chính quyền thực hiện những gì?

Sau thời gian lấy ý kiến, chuẩn bị, hôm qua, 28-8, Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ đã có cuộc bàn thảo về một số nội dung dự án Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Nói như ông Phạm Tuấn Khải, Phó Ban xây dựng pháp luật của Văn phòng Chính phủ, điểm đặc biệt quan trọng lần này là làm sao dân thực sự phát huy được quyền dân chủ.

Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung cũng thừa nhận: xưa nay đã có nhiều văn bản khẳng định, hướng dẫn thực thi quyền làm chủ của nhân dân, tuy nhiên trên thực tế, việc thực thi quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có lúc đã bị vi phạm nghiêm trọng.

Vì vậy, dự thảo pháp lệnh lần này bổ sung khá nhiều nội dung mới. Trước hết là quy định cụ thể các hình thức thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở. Theo đó, chính quyền xã phải niêm yết công khai các nội dung chậm nhất 2 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông qua, ký ban hành hoặc nhận được từ cấp trên. Thời gian niêm yết tối thiểu là 15 ngày.

Vậy, nội dung công khai gồm những gì? Có rất nhiều “đầu mục” phải công khai, đáng chú ý là phải công khai kết quả thanh tra, kiểm tra giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở xã, thôn, bản; kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã và trưởng thôn; các thủ tục hành chính; quá trình tổ chức thực hiện các công trình đầu tư, xây dựng trên địa bàn.

Đối với khối cơ quan, tổ chức, ngoài các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được cơ quan chức năng kết luận còn phải công khai việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, định mức sử dụng xăng, xe, điện thoại; việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cán bộ…

Lần này, địa điểm, thời gian niêm yết, hình thức công khai cũng được quy định cụ thể để tránh tình trạng làm theo kiểu đối phó như thời gian qua. Tương tự, để tránh tình trạng tiếp thu ý kiến của dân rồi “để đấy”, dự thảo quy định: những nội dung nhân dân bàn bạc và quyết định, nếu đạt quá nửa tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện cho hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố hoặc cấp xã tán thành thì phải thi hành.

Pháp lệnh đã dành hẳn 1 chương quy định rõ những nội dung phải công khai; những nội dung dân bàn và quyết định; những việc phải có ý kiến tham gia của nhân dân; những nội dung dân giám sát, kiểm tra.

Theo Bộ trưởng Đỗ Quang Trung, một điểm mới nữa là dự thảo pháp lệnh quy định cụ thể chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã thuộc đối tượng phải lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Ban Thường vụ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó, nếu các chức danh trên chỉ đạt dưới 50% số phiếu tín nhiệm thì sẽ bị làm thủ tục đề nghị miễn nhiệm.

Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở của UBND, Chủ tịch UBND; quy trách nhiệm của thường trực HĐND, đại biểu HĐND; người đứng đầu ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước…

Ông Phạm Tuấn Khải cho biết, bên cạnh các đối tượng trên, sắp tới, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp để ban hành một văn bản quy phạm pháp luật riêng quy định việc thực hiện dân chủ cơ sở ở trong các công ty cổ phần, TNHH và đơn vị sự nghiệp.

NAM QUỐC

Tin cùng chuyên mục