Trao đổi với PV Báo SGGP sáng 7-4, đại diện một số hộ dân ở thôn Diêm Vân cho biết, do địa thế nằm giữa vùng đất ngập mặn, lọt thỏm bên sông nước nên đa số người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào khai thác, đánh bắt hải sản ở đầm Thị Nại và một số phụ lưu chảy ra đầm này, nhất là nhánh sông Hà Thanh được tận dụng mặt nước để nuôi trồng, khai thác thủy hải sản. Nhưng từ cuối tháng 4-2020, dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy, tận thu cát nhiễm mặn ở cửa sông Hà Thanh được UBND tỉnh Bình Định cho phép Công ty TNHH Phú Hiệp (địa chỉ tại TP Quy Nhơn) thực hiện.
Cát nhiễm mặn được DN tận thu để phục vụ san lấp mặt bằng khu biệt thự Đại Phú Gia và hạ tầng khu đô thị thương mại Bắc sông Hà Thanh. Việc nạo vét, thông luồng, tận thu cát mặn đoạn sông Hà Thanh đe dọa đến sinh kế của người dân. Ngoài ra, việc nạo vét, hút cát cũng làm thay đổi dòng chảy, tầng đáy sông khiến gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông, uy hiếp đến nhà cửa của người dân khi mưa lũ về.
Trao đổi với PV Báo SGGP, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Đình Thuận cho biết, ngay từ ban đầu địa phương đã lấy ý kiến trên 500 hộ dân ở thôn Diêm Vân, đa số người dân thống nhất để khơi thông dòng chảy đoạn sông này. Tuy nhiên, còn một số hộ không đồng thuận. Nhiều lần địa phương đã phối hợp với DN đối thoại cùng người dân, tìm sự đồng thuận, thậm chí cử cán bộ đến từng nhà để giải quyết nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung. Trước mắt, huyện chỉ đạo lực lượng công an và các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, đảm bảo an ninh trật tự…
Đề cập đến vụ việc trên, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định, cho biết, các bên cũng cần xem xét lại tất cả các nội dung mà người dân lo lắng, phản ánh, yêu cầu quyền lợi để kịp thời tháo gỡ cho họ. Phía DN phải có khoản hỗ trợ thêm về sinh kế, quyền lợi hiện có của các hộ dân đang mưu sinh trên sông Hà Thanh.