Đảm đang
Những ngày ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội, anh Minh Huy (quận Gò Vấp, TPHCM) không thấy buồn vì có nhiều thời gian bên con hơn. Mỗi sáng, trong khi vợ lo đồ ăn cho cô con gái lớn 6 tuổi, anh nhận phần việc cho cậu con trai hơn 1 tuổi ăn cháo.
“Lúc đầu cũng không hẳn thuần thục nhưng đến ngày thứ 3 mọi việc đã dần đâu vào đấy. Vui nhất là luôn rộn rã tiếng nói cười của con trẻ. Đâu phải lúc nào mình cũng có thời gian ở bên con nhiều như thế. Bình thường vội vàng đi làm, chỉ có cuối tuần mới được ở bên con”, anh chia sẻ. Ngoài cho con ăn, anh Huy còn giúp vợ dọn nhà, tắm giặt cho con và cả rửa chén.
Trường hợp của anh Phan Hùng (quận 7) lại hoàn toàn khác. 7 năm nay, anh thay vợ chăm sóc con cái, chu toàn nhà cửa để vợ yên tâm đi làm. Ông bố của 3 cô công chúa nhỏ khiến hàng xóm ngưỡng mộ vì chăm con khéo léo. Cô Lan nhà kế bên tấm tắc khen không ngớt: “Từ nấu nướng, tắm giặt, đưa con đi chơi cho đến cột tóc, chải đầu cho con gái… nó làm được tất. Người đâu sao khéo thế”.
Theo chia sẻ của anh Hùng, hồi sinh con đầu lòng, vợ anh cũng mới được cất nhắc lên trưởng phòng nên công việc bận rộn. Nghỉ sinh chưa đầy tháng đã phải lo công việc. Thấy vậy, cả hai vợ chồng bàn bạc phải có một người nghỉ ở nhà để chăm sóc con, vì ông bà hai bên không thể đỡ đần.
“Ban đầu, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ nghỉ việc ở nhà, vì mình đàn ông phải làm trụ cột. Nhưng công việc tôi không ổn định trong khi vợ có cơ hội thăng tiến nên mình chấp nhận lui về hậu phương. Không ai ngay từ đầu đã biết chăm con khéo nhưng nhờ tình yêu thương, tất cả sẽ dần hoàn thiện”, anh chia sẻ.
Hiểu để sẻ chia
Xã hội cởi mở, chuyện người vợ làm chủ kinh tế, có thu nhập cao hơn không còn lạ. Khi cả hai cùng bình đẳng, cùng đi làm để vun vén cho gia đình, sau mỗi giờ tan làm, trách nhiệm con cái, nội trợ cũng không thể phó thác toàn bộ cho phụ nữ. Nhưng, muốn có sự thay đổi trước hết cần xuất phát từ những cuộc trò chuyện thẳng thắn, mang tính sẻ chia và đồng cảm từ hai phía.
Chị Lan - vợ anh Hùng cho biết, dù cả hai đã bàn bạc rất kỹ nhưng ban đầu, khi chồng quyết định ở nhà chăm con, mọi thứ không hẳn dễ dàng. Chị chia sẻ: “Chuyện trong nhà vợ chồng giải quyết với nhau đã đành nhưng khi ông bà hai bên vào thăm cháu càng phải khéo léo hơn. Ông bà nội đôi khi cằn nhằn vì con trai phải ở nhà lo việc bỉm sữa. Ông bà ngoại cũng có lúc nhìn chồng mình với ánh mắt không thiện cảm khi thấy con gái nặng gánh tài chính. Nhưng rồi, khi thấy hai vợ chồng hòa thuận, con cái được chăm sóc tốt thì không còn điều tiếng gì. Mọi thứ thành tự nhiên”.
Nhưng không hẳn gia đình nào cũng có được sự đồng thuận ấy. Không ít cánh mày râu vẫn có suy nghĩ, chuyện bếp núc là của phụ nữ. Sau buổi tiệc sinh nhật tại nhà người em trai, anh Cảnh Bắc (TP Biên Hòa, Đồng Nai) kéo cậu con trai lớn đã 14 tuổi ra góc riêng nói nhỏ, giọng có phần nghiêm nghị: “Việc rửa chén là của mẹ, của thím, con việc gì phải lúi húi trong đó. Mình là đàn ông, đã phụ dọn dẹp là hoàn thành trách nhiệm rồi”.
Cậu con trai vốn luôn sẵn sàng phụ mẹ mọi việc trong nhà ngơ ngác hỏi tại sao, anh Bắc nói luôn: “Làm thế, khác nào mình như phụ nữ”. Cậu bé chỉ gật đầu nhưng vẫn tỏ ý khó hiểu.
Gia đình hạnh phúc là khi các thành viên biết sẻ chia cả trách nhiệm và nghĩa vụ. Cha mẹ gương mẫu sẽ là tấm gương cho con cái noi theo. Do đó, càng không thể gọi những hành động đó là giúp đỡ hay có sự so bì. Đàn ông rửa chén, giặt đồ, nấu ăn… cũng không làm mất đi khí chất vốn có của phái mạnh. Tổ ấm không chỉ riêng của người vợ, người mẹ để phải nhờ cậy chồng, con giúp đỡ mình.
Những chuyện trong mắt nhiều người đàn ông luôn tưởng nhỏ nhặt: nấu cơm, giặt đồ, lau nhà, dọn dẹp, cho con ăn, dạy con học… nhưng lại đòi hỏi phải rất giỏi trong việc quán xuyến thời gian, lập kế hoạch, quản lý tài chính cũng như sức chịu đựng về mặt tâm lý. Hạnh phúc gia đình chỉ có thể duy trì khi cả hai phía cùng ý thức về nghĩa vụ của mình.
Ở chiều ngược lại, bản thân mỗi phụ nữ trước khi bước vào cuộc hôn nhân, muốn bạn đời sẻ chia, hãy tạo cơ hội cho họ làm việc đó một cách tự nguyện. Nhận hết việc nhà về phần mình cũng là cái sai của phụ nữ. Khi sự đã rồi, thay đổi gần như là bất khả thi, thậm chí dẫn đến những đổ vỡ không thể cứu vãn. |