Dân ở không được, đi chẳng xong

Dân ở không được, đi chẳng xong

Hệ lụy từ dự án lấn biển ở Quảng Ninh

TP Cẩm Phả nối liền TP Hạ Long (thuộc tỉnh Quảng Ninh) đều trông ra vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long và từ bao năm nay vẫn được coi là đô thị công nghiệp sôi động ở miền Bắc. Để di dân và giãn cư, từ năm 1995, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã chủ trương khai sơn lấp biển để mở mang quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng thật sự không thể tin nổi, ở giữa TP Cẩm Phả có một dự án san nền lấp biển rộng hàng trăm hécta với tên gọi “Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển Cọc 6, Cẩm Phả, Quảng Ninh”, nhưng đến nay sau hơn 20 năm vẫn chỉ là khu “đô thị treo” với nhiều sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo vùng sú vẹt ven biển Cọc 6, Cẩm Phả thành khu dân cư là một trong những dự án đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh giao cho doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh cơ sở hạ tầng. Dự án được thực hiện bởi chủ đầu tư là Công ty TNHH xây dựng Quảng Hồng. Tuy nhiên, sau 20 năm triển khai, dự án này vẫn dang dở và chưa biết bao giờ mới hoàn thành. Thực tế này đang khiến cho cuộc sống của rất nhiều hộ dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn.

Hoang tàn

Từ trung tâm TP Cẩm Phả, thật dễ dàng tìm đến khu dự án lấp biển ở phường Cẩm Sơn vì dự án này nằm ngay giữa vịnh Bái Tử Long và quốc lộ 18A, từ Hạ Long đi Móng Cái. Từ quốc lộ 18A rẽ trái, vượt qua cổng chào “Chợ trung tâm thương mại và du lịch Bái Tử Long” đã cũ nát, han gỉ, chúng tôi tới khu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo vùng sú vẹt ven biển Cọc 6 (hay còn gọi khu dân cư Quảng Hồng). Thế nhưng, khác với tấm biển ngoài cổng chào, cả khu dân cư lấn biển, dù đã có đường nhựa và chia thành các thửa đất nhưng tất cả đều hoang tàn, không chợ, cũng chẳng có trung tâm thương mại. Trước mắt chúng tôi chỉ là những bãi lau lách, cỏ tranh và ngổn ngang đất đá cùng… rác. Xen giữa cảnh hoang tàn có một vài nhà dân, công xưởng cơ khí cho tư nhân thuê được mọc lên. Nghĩ chúng tôi là nhóm người đầu tư bất động sản, một số người dân ở đây cho biết, sau khi san lấp biển xong, rất nhiều ô đất, thửa đất đã được mua bán, sang tay cho bà con rồi nhưng đến hiện tại, chỉ có hơn 40 hộ dân đến đây sinh sống. Còn lại, phần lớn các hộ mua đất ở đây đều chấp nhận bỏ hoang, ngậm cay nuốt đắng không dám xây dựng nhà cửa vì đến nay vẫn không có điện, nước, còn cơ sở hạ tầng thì sụt lún khắp nơi.

Người dân ở Khu dân cư Quảng Hồng phải trả tiền điện, nước với giá cao

Cả dự án gần như chết yểu nên một số người có tiềm lực kinh tế đến đầu tư xây nhà nghỉ, khách sạn cũng chỉ để ngắm chứ không có khách. Chia sẻ với chúng tôi, bà Hà (một hộ dân sống ở khu Nam Sơn 1, phường Cẩm Sơn), cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi cũng như nhiều hộ khác tới đây mua đất, cứ tưởng sẽ được hưởng cuộc sống tốt đẹp ngay sát vịnh Bái Tử Long. Ai ngờ, nhiều năm qua dân tình luôn phải sống trong cảnh khốn khổ, ở không được - bán cũng chẳng xong vì cơ sở hạ tầng chưa hoàn thành, thủ tục pháp lý dở dang. Nhiều hộ trót mua đất, bây giờ muốn bán cũng khó, vì có ai dại nhảy vào ôm nợ!”.

Chi phí sinh hoạt giá cao

Mặc dù phải sống trong cảnh quy hoạch treo “dở khóc dở cười”, đầy khó khăn nhưng hơn 40 hộ dân ở Khu dân cư Quảng Hồng lại còn phải gánh chi phi sinh hoạt, đặc biệt là tiền điện, nước với mức giá “cắt cổ”. Khi biết chúng tôi là phóng viên đang tìm hiểu thực tế, rất nhiều người dân đến gặp để phản ánh những nổi khổ bao năm qua họ đã chịu đựng. Cầm tập giấy thu tiền điện, nước hàng tháng, ông Vũ Đình Quyền (ở tổ 1, Nam Sơn 2) bức xúc: “Tôi chuyển về đây sinh sống từ năm 2007. Vài năm đầu, giá điện, nước cũng bình thường nhưng từ năm 2010 tới nay, tiền điện, nước hàng tháng bắt đầu tăng chóng mặt, có những tháng tới gần 40.000 đồng/m3 nước và hơn 5.000 đồng/kWh điện”.

Quả thực, sau khi xem các thông báo tổng hợp tiền điện, nước hàng tháng của người dân nơi đây, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước mức giá cao ngất ngưởng do chủ đầu tư tự đặt ra. Trong đó, mới nhất là tháng 9-2016, mỗi hộ dân nơi đây phải trả cùng giá 33.795 đồng/m³ nước, dù dùng ít hay nhiều. Theo phản ánh của người dân, hàng tháng, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Xây dựng Quảng Hồng đều có thông báo số tiền điện và nước phải nộp tới từng hộ dân, đồng thời bên dưới thông báo không quên ghi “cảnh báo”: Nếu không nộp đủ sẽ bị cắt điện, nước và muốn được cấp lại phải nộp phạt mỗi lần 500.000 đồng tiền điện và 500.000 đồng tiền nước. Trước sự bắt ép trắng trợn của chủ đầu tư, nhiều lần người dân sống ở đây phản ứng không nộp tiền điện, nước và báo chính quyền địa phương nhưng rốt cuộc cũng chẳng được gì mà còn phải chịu cảnh bị cắt điện, nước. “Uất ức lắm nhưng rồi chúng tôi đành phải cắn răng nộp tiền vì nếu không chỉ có chết khát, chết nóng”, ông Ngọc, một hộ dân phẫn nộ.

Thờ ơ với nỗi khổ của dân

Để tìm câu trả lời cho sự việc trên, chúng tôi tìm tới UBND phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả. Tuy nhiên, khi đề cập tới những bức xúc của người dân ở Khu dân cư Quảng Hồng đang phải chịu đựng, thì ông Vũ Văn Hiển, Chủ tịch UBND phường Cẩm Sơn tỏ thái độ thờ ơ, không quan tâm và lạnh lùng nói với chúng tôi, nếu tìm hiểu về vấn đề này cần phải có ý kiến của lãnh đạo TP Cẩm Phả.

Tiếp tục tìm tới trụ sở chính quyền TP Cẩm Phả, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Phạm Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, ông Hoàng Hồng Quân, Trưởng Phòng Quản lý đô thị và Trưởng Ban tiếp dân TP Cẩm Phả. Tại buổi trao đổi, ông Vinh than vãn, thực tế hiện nay dự án Khu dân cư Quảng Hồng vẫn trong tình trạng “nửa dơi nửa chuột” qua nhiều đời lãnh đạo khiến chính quyền mất rất nhiều thời gian để giải quyết... Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập tới những khó khăn, bức xúc của người dân đang sinh sống ở đây, nhất là việc phải chịu chi phí điện, nước với giá “cắt cổ” thì ông Vinh cũng như Trưởng Ban tiếp dân TP Cẩm Phả đều tỏ thái độ ngạc nhiên trước thông tin này. “Chính quyền TP Cẩm Phả đến nay vẫn chưa từng nghe thấy ai phản ánh về việc hơn 40 hộ dân ở Khu dân cư Quảng Hồng đang phải mua nước sinh hoạt với giá cao như vậy...”, ông Vinh nói.

Sau một hồi giãi bày, ông Phó Chủ tịch TP Cẩm Phả rút điện thoại gọi cho chủ tịch UBND phường Cẩm Sơn để hỏi và “trách” lãnh đạo chính quyền Cẩm Sơn không báo cáo vụ việc lên lãnh đạo thành phố. Sau đó, ông Vinh cho rằng, sở dĩ hàng chục hộ dân ở Cẩm Sơn đang mua nước, điện với giá cao vì họ mua chung qua đồng hồ tổng của chủ đầu tư dự án, dẫn đến phải chịu các khoản phát sinh theo yêu cầu của chủ dự án. Còn ông Hoàng Hồng Quân cho biết, sở dĩ người dân phải trả tiền điện, nước với giá rất cao là do chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết liên quan tới dự án nên chưa thể đấu điện, nước cho từng hộ từ hệ thống của thành phố. Trong khi đó, ông Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Vinh thừa nhận, đây là việc không thể chấp nhận khi chủ dự án chưa đầu tư chưa hoàn thiện xong cơ sở hạ tầng theo như quy định (về đầu tư khu đô thị) đã vội phân lô bán đất nền và hứa sẽ họp giải quyết vụ việc này trong tháng 10.

Về phía chủ đầu tư, bà Phan Thị Quảng, đại diện Công ty TNHH Xây dựng Quảng Hồng cũng thừa nhận đang thu tiền điện, nước của các hộ dân với giá cao vì dùng qua đồng hồ tổng và công ty đã có thỏa thuận việc này bằng… miệng với các hộ dân. “Sở dĩ tới nay sau hơn 20 năm, dự án vẫn trong tình trạng quy hoạch “treo” và điện, nước, cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thành là do chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm”, bà Quảng cho biết.

KHÁNH NGUYỄN - VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục