Không đủ tiền đối ứng
Bà Lê Thị Diệu, ở ấp Gò Chuối, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng (Long An), dù là hộ nghèo, nhà có 6 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu dựa vào 3 công đất sản xuất lúa, nên lúc nào cũng “thiếu trước hụt sau”. Hiện căn nhà tạm bợ bà Diệu đang ở được xây cách nay cũng gần 20 năm, đã xuống cấp, dột nát. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao nhà nước cho vay tiền để sửa chữa, cất nhà mới thì bà lại không chịu vay? Bà Diệu phân trần: “Số tiền cho vay có 25 triệu đồng, chỉ đủ nâng cấp nền nhà, rồi tiền đâu để mà xây nhà mới; trong khi thu nhập của gia đình chẳng có mấy đồng, nên không dám vay”.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Rạng, ở ấp Cây Me, xã Hưng Điền, cũng thế. Căn nhà tạm bợ được cất cách nay hơn 20 năm, giờ đã cũ nát, nhưng vẫn không có tiền để sửa chữa. “Vợ chồng tôi già yếu rồi, lại thường xuyên đau bệnh, không làm ra tiền. Nếu vay 25 triệu đồng để sửa nhà thì không đủ. Đó là chưa kể tìm kiếm nguồn tiền để trả phần nợ vay”, ông Rạng than.
Mặt khác, các đối tượng được hỗ trợ vay trong chương trình là hộ nghèo, cận nghèo nên rất khó đáp ứng phần vốn đối ứng 50% như quy định. Chính vì vậy, nên toàn xã có 55 hộ dân thuộc diện được hỗ trợ vay vốn nhưng chỉ có một hộ nhận vay, số còn lại đã từ chối vay.
Qua tìm hiểu, không chỉ có những hộ dân nghèo vùng biên giới ở khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An từ chối vay vốn để sửa nhà, cất nhà mới, mà nhiều nơi trong tỉnh, những hộ nghèo cũng từ chối vay tiền từ Chương trình 33 của Chính phủ.
Giải ngân chưa đạt
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Long An, toàn tỉnh có 1.632 hộ cần hỗ trợ vốn xây nhà, sửa nhà theo quyết định. Trong số này, ngoài những hộ không đủ điều kiện được xét vay (gần 100 hộ) thì có đến gần 900 hộ từ chối nhận tiền hỗ trợ vay vốn, vì sợ không có tiền trả nợ. Ngay những hộ chấp nhận nhận tiền hỗ trợ từ Chương trình 33 thì cũng lừng chừng, không nhiệt tình.
Do vậy, tính từ năm 2016 đến nay, Long An được giao 18 tỷ đồng để giải ngân cho các hộ dân vay, nhưng đến nay tỉnh chỉ giải ngân được 4,5 tỷ đồng, tương ứng với 180 hộ; trong khi đó, kế hoạch giải ngân đến hết năm 2018 phải đạt hơn 800 hộ.
Theo bà Đặng Thị Thúy Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An, trước thực trạng này, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với địa phương tiếp tục rà soát lại nhu cầu vay vốn của người dân và phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân khi có nhu cầu.
Ngoài ra, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị đến Bộ Xây dựng, ngoài nguồn vốn mỗi hộ được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cần có sự hỗ trợ thêm từ ngân sách Trung ương cho các hộ cùng với nguồn vận động khác… giúp hộ nghèo đủ kinh phí xây nhà mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Đối với các hộ được hỗ trợ từ các nhà tài trợ để xây nhà bảo đảm “3 cứng”, nhưng chưa hoàn thiện thì cần xem xét hỗ trợ vay theo Quyết định 33 để giúp người dân cải tạo nhà ở, ổn định cuộc sống…