Dân mang bẫy dính ruồi, dựng rạp trước cổng nhà máy xử lý rác để phản đối ô nhiễm
SGGPO
"Bây giờ người dân thôn Nam Xuân Sơn mong muốn một là phải di dời nhà máy rác thải; hai là phải di dời các hộ dân càng sớm càng tốt... Chúng tôi phải cứu lấy cuộc sống của chúng tôi".
>> Clip: Người dân bức xúc dựng rạp trước nhà máy xử lý rác để phản ánh ô nhiễm
Sáng 11-8, nhiều người dân ở thôn Nam Xuân Sơn (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã mang theo các tấm bẫy dính đầy ruồi, bàn ghế, bằng rôn… tập trung đến dựng rạp vây trước cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà để ngăn cản không cho các xe ô tô tải vận chuyển rác vào nhà máy nhằm phản đối việc nhà máy này đốt, xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Có mặt tại hiện trường, PV Báo SGGP ghi nhận mặc dù có nhiều người dân ở thôn Nam Xuân Sơn tập trung trước cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà, nhưng không gây mất tình hình an ninh trật tự, không gây mất an toàn hay ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 12C ngay trước cổng nhà máy.
Bà Lê Thị Thiền (64 tuổi, trú tại thôn Nam Xuân Sơn), cho biết: "Hàng ngày, mùi hôi thối từ nhà máy Phú Hà lan tỏa ra khu vực nhà dân nhiều nhất là từ 15 đến 17 giờ chiều và từ 19 giờ đến khoảng 21 giờ cùng ngày. Mùi hôi thối rất khó chịu, mùi hôi từ đốt rác thải y tế và mùi hôi thối phân, ruồi nhặng..., theo gió xộc thẳng vào nhà dân rất khó chịu".
Người dân dựng rạp, tập trung vây kín trước cổng nhà máy xử lý rác
Bà Nguyễn Thị Đính (63 tuổi, trú tại thôn Nam Xuân Sơn), cho biết: ”Do không thể chịu được mùi hôi thối nên khoảng 7 giờ sáng 11-8, người dân ở Nam Xuân Sơn đã mang theo các dụng cụ ra trước cổng nhà máy Phú Hà để ngăn không cho các xe ô tô tải vận chuyển rác thải vào nhà máy nữa. Người dân yêu cầu, một là phải di dời nhà máy rác thải Phú Hà đi nơi khác để không tiếp tục gây ô nhiễm, để cho người dân sinh sống yên ổn; hai là giải quyết cho người dân được di dời đi nơi khác, chứ ở đây ô nhiễm hôi thối quá dân không chịu được...”.
Nhiều người dân ở thôn Nam Xuân Sơn cho biết, nhà máy xử lý rác thải Phú Hà ngày càng được xây dựng phát triển thêm, còn người dân phải sống khổ sở vì chịu mùi hôi thối, ruồi nhặng không chịu nổi. Phía chính quyền và nhà máy đã nhiều lần tổ chức họp dân hứa là sẽ di dời dân, họ yêu cầu dân không được cơi nới nhà cửa, trồng cây cối… rồi hẹn năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác; thậm chí, người dân đã gửi đơn kêu cứu lên huyện, lên tỉnh và ra trung ương nhưng đến nay cũng không được giải quyết dứt điểm.
Người dân tập trung trước cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà để yêu cầu giải quyết các bức xúc về tình trạng gây ô nhiễm môi trường
Còn ông Nguyễn Tiến Phừng (60 tuổi, trú tại thôn Nam Xuân Sơn), cho biết: “Nhà tôi cách nhà máy rác thải Phú Hà khoảng 150m, do chịu không nổi mùi hôi thối nên khoảng 7 giờ sáng nay người dân đã ra đây tập trung ngăn không cho các xe tải tiếp tục chở rác thải vào nhà máy nữa. Ở đây gồm có các loại rác thải không chỉ có ở địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mà còn nhiều tỉnh miền Trung cũng vận chuyển về đây xử lý, khiến mùi hôi thối, ruồi muỗi bay vào nhà nhân, dân sống quá gần với nhà máy nên không chịu nổi…”.
Theo ông Phừng, năm 2017 lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã về họp dân và hứa trong năm 2017 sẽ giải tỏa di dời khoảng 50 hộ dân ở thôn Nam Xuân Sơn ra khỏi khu vực ảnh hưởng ô nhiễm nhà máy rác thải Phú Hà; tiếp đó năm 2018, lãnh đạo huyện Kỳ Anh cũng về họp dân và hứa sẽ giải tỏa và chậm nhất là vào tháng 7-2018, nhưng đến nay đã sang tháng 8 mà mọi việc vẫn không thấy giải quyết di dời gì cả.
“Bây giờ người dân thôn Nam Xuân Sơn mong muốn một là phải di dời nhà máy rác thải Phú Hà đi đến nơi khác để cho người dân sinh sống làm ăn yên ổn; hai là nếu không di dời nhà máy thì phải di dời các hộ dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng nhà máy càng sớm càng tốt. Người dân chúng tôi có ý thức, có nhận thức, am hiểu hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, nhưng mà ở cấp trên không giải quyết, chúng tôi biết việc ra tập trung chặn cổng nhà máy (đây là lần thứ 2 chặn cổng) không cho các xe tải chở rác vào như thế này là vi phạm pháp luật, nhưng chúng tôi phải cứu lấy cuộc sống của chúng tôi, chứ không có cách gì hơn nữa; chúng tôi không đập phá tài sản, chỉ duy nhất là không cho xe tải chở rác vào nhà máy thôi, trước khi đến tập trung ở cổng nhà máy, chúng tôi cũng đã gọi điện cho Công an huyện lên để đảm bảo an ninh trật tự, can thiệp không để cho những người xấu lợi dụng để kích động đập phá tài sản làm người dân mang tiếng”, ông Phừng nói.
Người dân tập trung trước cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà để yêu cầu giải quyết các bức xúc về tình trạng gây ô nhiễm môi trường
Nhiều người dân có mặt tại hiện trường cũng cho biết, nhà máy xử lý rác thải phải xây dựng cách quốc lộ là 600m, cách khu dân cư tối thiểu là 500m. Tuy nhiên, nhà máy Phú Hà lại được xây dựng có chung hành lang với quốc lộ 12C và chung bờ tường rào với khu dân cư là thôn Nam Xuân Sơn. Trong đó, hộ gần nhất chỉ cách công ty này chỉ hơn 10m và hộ xa nhất là hàng trăm mét. Từ ngày nhà máy đi vào hoạt động, hàng ngày xe tập kết rác về xử lý gây ra mùi hôi thối, mùi khói của lò đốt rác phát tán trong không khí tỏa ra khu dân khư… khiến người dân không tài nào chịu được.
Ngay sau khi nhận tin báo, trong ngày chính quyền xã Kỳ Tân phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh triển khai lực lượng có mặt tại nhà máy xử lý rác thải Phú Hà để đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 12C.
Mộ góc nhà máy xử lý rác thải tại thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
Đầu giờ chiều 11-8, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Liên quan đến nhà máy xử lý rác Phú Hà thì thời gian qua bà con nhân dân ở thôn Nam Xuân Sơn đã có kiến nghị một số lần và huyện cũng đã tổ chức đối thoại với bà con. Nhìn chung bà con kiến nghị trong trật tự và đề nghị di dời dân ra khỏi khu vực gần nhà máy. Huyện đã có các phương án báo cáo với tỉnh, và tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh".
"Hiện nay, lãnh đạo tỉnh đã có phương án soát xét lại việc xây dựng các khu tái định cư và chuẩn bị các phương án tối ưu, chuẩn bị kinh phí để thực hiện việc đảm bảo môi trường cũng như các nội dung khác để di dời dân, các phương án sẽ được xem xét một cách thấu đáo để làm sao cho nhà máy hoạt động được nhưng đồng thời bà con cũng ổn định yên tâm cuộc sống. Về phía huyện cũng đã xây dựng phương án ban đầu là khoảng 75 tỷ đồng, còn việc di dân tái định cư là một vấn đề lớn cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo và có sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành để tổ chức thực hiện…”, ông Hoàn nói.
Một góc nhà máy xử lý rác thải ở thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
Trước đó, do bức xúc vì phải sống khổ sở trong cảnh ô nhiễm môi trường, vào ngày 24-2-2018, nhiều người dân ở thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã mang theo nhiều tấm bẫy dính dầy ruồi nhặng tập trung đến trước cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà dựng rạp ngăn không cho các xe chở rác vào nhà máy nhằm để phản đối việc nhà máy này đốt, xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường.