Trước đó, vào năm 2023, Vườn quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tiếp nhận, tái thả và chăm sóc, theo dõi khả năng thích nghi của 25 cá thể khỉ quý hiếm tại khu vực “đảo khỉ”, gồm: khỉ mốc, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn.
Đến nay, 12 cá thể khỉ đang sinh sống tốt trên đảo này, còn 13 cá thể khỉ khác đã di chuyển đến những địa điểm đảo khác sinh sống trong khu vực Vườn quốc gia Vũ Quang.
Sau khi tái thả lên khu vực “đảo khỉ”, thời gian đầu, do đàn khỉ chưa hoàn toàn tự kiếm thức ăn trong tự nhiên nên cứ khoảng 3 ngày một lần, các cán bộ, nhân viên của Vườn quốc gia Vũ Quang mang thức ăn lên để cung cấp cho đàn khỉ, gồm các loại rau, củ, quả và một số loại hạt.
Sau thời gian theo dõi, chăm sóc tốt, đến nay đàn khỉ sống khỏe mạnh, ăn uống bình thường, lông mượt, đã hòa nhập, thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường và sinh cảnh trên "đảo khỉ".
"Đảo khỉ" có diện tích rộng khoảng 3-4ha, nằm lọt thỏm giữa lòng hồ Ngàn Trươi (thuộc Vườn quốc gia Vũ Quang), cách trạm kiểm lâm và bến thuyền của vườn khoảng 10 phút đi ca nô trên lòng hồ.
Đây là một trong những hòn đảo có thảm thực vật phong phú, cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, thường được chọn làm địa điểm để tái thả những cá thể khỉ về với môi trường tự nhiên, đồng thời phục vụ cho công tác kiểm tra, theo dõi quá trình phát triển, thích ứng của chúng với môi trường....
Vườn quốc gia Vũ Quang được thành lập theo quyết định số 102/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 30-7-2002, được công nhận là "Vườn Di sản ASEAN” năm 2018, nằm trên địa bàn các huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), hiện quản lý, bảo vệ 57.029,84ha rừng và đất lâm nghiệp.
Đây là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều nguồn gene rất giá trị cho công tác bảo tồn. Trong đó, có nhiều loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm và đặc hữu, có tên trong danh mục Sách đỏ IUCN và Sách đỏ Việt Nam, cần được ưu tiên bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt...
>> Một số hình ảnh đàn khỉ tại "đảo khỉ"