Khó đủ thứ
Ông Nguyễn Văn Công (ngụ xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) bức xúc kể: “Gia đình tôi có hơn 3ha đất nông nghiệp được tách ra từ lâm phần. Nhiều năm qua, gia đình tôi đề nghị được cấp sổ đỏ nhưng chính quyền địa phương bảo phải đợi. Vì chưa có sổ đỏ nên gia đình không thể thế chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, khiến cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn”.
Ông Nguyễn Xuân Tú (ngụ thôn 7, xã Long Tân, huyện Phú Riềng) cho biết, gia đình ông có hơn 8ha đất được tách ra từ lâm phần. Năm 2010, chính quyền địa phương tiến hành đo đạc để cấp sổ đỏ cho gia đình ông. Thế nhưng cho đến nay, gia đình ông Tú mới chỉ được cấp sổ đỏ đối với 2ha, còn lại hơn 6ha vẫn chưa được cấp sổ đỏ mặc dù gia đình ông đã nộp hồ sơ đầy đủ và đóng thuế theo quy định của Nhà nước. Sự chậm trễ này khiến gia đình ông không thể thế chấp cho ngân hàng để vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chưa kể, hiện ông Tú muốn chia đất cho 3 người con cũng không thể thực hiện được. “Trong 10 năm trời, tôi đã đi lại nhiều lần, bổ sung nhiều loại giấy tờ và nộp hồ sơ lên huyện xin cấp sổ đỏ, nhưng đến nay hồ sơ vẫn bị trả về. Trong các đợt tiếp xúc cử tri của huyện và tỉnh, tôi đều phản ánh tâm tư nguyện vọng của gia đình đến các đại biểu, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng”, ông Tú nói. Cũng theo ông Tú, ngoài trường hợp gia đình ông, thì hiện nay ở xã Long Tân có rất nhiều trường hợp tương tự. Để có tiền phát triển kinh tế, nhiều gia đình đã phải viết giấy cầm cố tài sản, đất đai vay “tín dụng đen”, nên cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi khiến tội phạm “tín dụng đen” gia tăng và diễn biến phức tạp tại địa phương trong thời gần đây.
Các hộ dân ở thôn Sơn Tân, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng cũng phản ánh họ sinh sống và trồng trọt ổn định ở đây hơn 20 năm nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Do không có sổ đỏ nên không thể thế chấp cho ngân hàng để vay vốn. Muốn có tiền phát triển kinh tế, một số người dân đã phải tìm đến “tín dụng đen”, dẫn đến vỡ nợ và có nguy cơ bị siết đất sản xuất.
Chờ hướng dẫn
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Phú Văn vẫn còn 3.700ha đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần chưa giao về cho địa phương quản lý, và người dân đang sinh sống, canh tác lâu dài trên diện tích đất này. Từ nhiều năm nay, người dân đề nghị UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền giao đất về cho địa phương quản lý để cấp sổ đỏ cho các hộ dân, giúp các hộ dân có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhưng đề nghị này chưa được chấp thuận.
Ông Lê Anh Xuân, Quyền Trưởng Phòng TN-MT huyện Bù Gia Mập, cho biết, trong hơn 3.700ha đất nông nghiệp tách ra từ lâm phần trên, thì có khoảng 3.089ha đất được tách ra khỏi lâm phần của Đoàn Kinh tế quốc phòng 778 quản lý. Hiện UBND huyện Bù Gia Mập đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, thu thập tài liệu để lập lại sơ đồ tổng thể khu đất, sau đó trình Sở TN-MT tỉnh Bình Phước thu hồi đất của Đoàn Kinh tế quốc phòng 778 giao cho huyện Bù Gia Mập quản lý và cấp sổ đỏ cho người dân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 162.000ha đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần, và tỉnh đang rà soát để cấp sổ đỏ cho người dân trong thời gian tới. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó vướng mắc lớn nhất là xác định đối tượng được giao hoặc cho thuê đất; vướng mắc trong xác định đối tượng trực tiếp hoặc không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp để xét giao đất không thu tiền hoặc cho thuê đất...
Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đang phối hợp với Sở TN-MT, UBND các huyện, thị xã rà soát toàn bộ diện tích đất người dân sinh sống ổn định lâu năm trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở rà soát, Sở NN-PTNT thống nhất với Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ (đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030) tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ NN-PTNT điều chỉnh một phần diện tích đất lâm nghiệp ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng tại quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030, làm cơ sở giao về địa phương để cấp sổ đỏ cho các hộ dân. Bộ NN-PTNT đang thẩm định, báo cáo Thủ tướng phê duyệt; và trên cơ sở quy hoạch được duyệt, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh, đồng thời hướng dẫn UBND cấp huyện lập các bước thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để cấp sổ đỏ cho người dân theo quy định.