Theo lãnh đạo xã Nam Sơn, việc người dân tháo bỏ các chốt chặn để xe chở rác vào đổ rác tại bãi rác Nam Sơn là do lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã kiên trì xuống vận động, thuyết phục người dân và đặc biệt là thông tin về các chính sách đền bù giải phóng mặt bằng các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn mới nhất vừa được UBND TP Hà Nội ban hành.
Trước đó vào chiều 5-7, UBND TP Hà Nội đã có công văn chỉ đạo về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất tại các dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải Sóc Sơn.
Theo đó, đối với chính sách bồi thường, hỗ trợ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở, ngoài việc được bồi thường theo giá đất của loại đất tại vị trí theo đúng quy định, cho phép UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt bổ sung chính sách hỗ trợ khác với tổng mức bồi thường theo quy định và mức hỗ trợ khác không quá 500.000 đồng/m² (trên cơ sở vận dụng tương đương với mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) hoặc như khi chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở sang làm đất ở). Tổng diện tích hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất theo quy định tại Điều 129, Luật Đất đai năm 2013.
Đối với các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở từ 400m² trở lên, UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Khi tiến hành chi trả tiền, thực hiện trả ngay cho các hộ đối với phần diện tích đất ở trong hạn mức và chính sách bồi thường, hỗ trợ như nêu trên. Phần diện tích đất vượt hạn mức, giao Thanh tra thành phố chủ trì cùng UBND huyện Sóc Sơn tiến hành thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, quy trình cấp giấy chứng nhận trước đây. Nếu việc cấp giấy chứng nhận đã thực hiện theo đúng quy định, thì tiến hành chi trả nốt; nếu việc cấp giấy chứng nhận không đúng quy định thì phải xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành. Việc thanh tra, rà soát phải hoàn thành trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc.
Đối với giá thu tiền sử dụng đất tại các khu tái định cư, tại vị trí khu tái định cư phục vụ bố trí cho các hộ trên địa bàn xã Nam Sơn, trong cuộc họp vào sáng 5-7, liên ngành của thành phố (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND huyện Sóc Sơn) đã thống nhất xác định giá thu tiền sử dụng đất tái định cư theo vị trí 4 đường 35 là 2.700.000 đồng/m². UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND huyện Sóc Sơn hoàn thiện lại tờ trình, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt giá theo đúng quy định, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và quyền lợi của các hộ dân.
Đối với khu tái định cư phục vụ bố trí cho các hộ thuộc xã Hồng Kỳ, trường hợp các hộ dân không đồng tình với vị trí quy hoạch khu tái định cư, UBND TP Hà Nội cho phép UBND huyện Sóc Sơn sử dụng khu tái định cư thôn Thanh Hà (xã Nam Sơn) để bổ sung quỹ tái định cư bố trí cho các hộ phải di chuyển chỗ ở. Nếu các hộ dân vẫn có nhu cầu tái định cư trên địa bàn xã, UBND huyện Sóc Sơn phải chủ trì cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, báo cáo UBND TP Hà Nội chấp thuận để bố trí tái định cư cho các hộ.
Trường hợp các hộ có nhu cầu nhận tiền để tự lo tái định cư, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt mức hỗ trợ 1.957.508 đồng/m² (như chính sách đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận). Đối với các trường hợp đông nhân khẩu, nhiều cặp vợ chồng đang cùng ăn ở, sinh sống trên cùng một thửa đất bị thu hồi nhưng chưa làm thủ tục tách hộ theo quy định của pháp luật, thực tế đã ăn ở riêng, trên đất có khuôn viên xây dựng công trình nhà ở riêng, giao UBND huyện Sóc Sơn lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho từng hộ gia đình; trên cơ sở hạn mức công nhận đất ở của từng hộ để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.
UBND thành phố cũng yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án; tổ chức tuyên truyền, vận động, thông tin cụ thể đến các hộ dân về kế hoạch phê duyệt phương án bồi thường, kế hoạch chi trả tiền trong thời gian tới để các hộ dân biết và chấp hành, không tiếp tục có các hành vi trái phép chặn xe vận chuyển rác.
Trường hợp đã tuyên truyền, vận động nhưng vẫn cố tình vi phạm, UBND huyện Sóc Sơn phải có các biện pháp hành chính để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo công an thành phố để thống nhất phương án và lực lượng hỗ trợ bảo vệ, bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện.
Trước đó từ chiều 1-7, nhiều người dân tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn tập trung trên đường 35 ngăn chặn các xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn. Việc người dân chặn xe rác không cho vào bãi rác Nam Sơn là do người dân xã Nam Sơn rất bức xúc khi chưa được di dời khỏi vùng bán kính cách bãi rác Nam Sơn 500m trong khi bãi rác này ngày càng quá tải, ô nhiễm trầm trọng, khiến cuộc sống và sức khỏe người dân tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Việc nhiều ngày qua, bãi rác Nam Sơn bị người dân không cho xe đổ rác vào đổ đã khiến cho nhiều khu dân cư, đường phố trong nội thành Hà Nội ngập ngụa, ô nhiễm trong rác khi có tới hơn 15.000 tấn rác thải bị ùn ứ, tồn đọng, trong khi đó bãi rác Nam Sơn lại là nơi chôn lấp, xử lý rác lớn nhất của Thủ đô.
Ngày 6-7, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo các sở ngành của thành phố và quận Liên Chiểu đã có buổi đối thoại với hàng trăm hộ dân sinh sống gần khu vực bãi rác Khánh Sơn. Trước đó, sau khi biết TP Đà Nẵng có chủ trương xây dựng hệ thống xử lý rác thải giai đoạn 2 tại khu vực bãi rác Khánh Sơn, người dân nơi đây đã phản đối vì cho rằng họ đã quá khổ khi sống cạnh bãi rác từ 30 năm qua. Tại buổi đối thoại, ông Đặng Việt Dũng cho biết, bãi rác Khánh Sơn trước đây làm theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, nhưng thực chất là công nghệ chôn lấp thông thường nên không tránh khỏi các tồn tại về ô nhiễm môi trường về lâu dài. Vì vậy, đã đến lúc thay đổi công nghệ xử lý rác cho phù hợp để đảm bảo và giữ sức khỏe người dân cũng như môi trường. Ông Dũng cũng đề nghị chính quyền quận Liên Chiểu phối hợp với sở, ngành tiến hành lựa chọn công nghệ; đồng thời phải bàn kỹ với dân, các hộ gia đình và tổ dân phố về những việc cần làm để khẳng định công nghệ đó không gây ra ô nhiễm, mùi hôi... Ông Dũng cũng kêu gọi người dân “mở lòng” để cùng chọn loại hình nào phù hợp nhất để làm. NGUYÊN KHÔI |