Đàn đá được ông Bùi Hữu Triều (ngụ xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh) phát hiện vào năm 1996, có 12 thanh đàn, sau đó phát hiện thêm 14 thanh. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã phối hợp với các cơ quan khoa học tiến hành nghiên cứu và xác định đây là đàn đá - nhạc cụ của người tiền sử. Loại nhạc cụ này có âm sắc gọn, độ cao rõ rệt, ngân dài, đạt được yêu cầu của một nhạc khí. Bảo vật Quốc gia Đàn đá Lộc Hòa có kỹ thuật chế tác tinh xảo, có niên đại cổ xưa trên 3.000 năm, minh chứng cho sự hiện diện của người cổ xưa trên mảnh đất Bình Phước.
Di tích Lộc Hòa (nơi phát hiện đàn đá) đã được khai quật những năm 1997 - 1998, có sự nghiên cứu tổng hợp về địa hình địa lý, các tầng văn hóa khảo cổ và các di vật để nhận biết về môi trường văn hóa xung quanh địa điểm tìm thấy đàn đá. Đàn đá được chế tác từ loại đá mắc ma là loại đá chịu sự tác động phong hóa ở các mức độ khác nhau, thường có các màu sắc xanh đen, xám xanh, xám tro, có độ cứng trung bình nên dễ ghè đẽo, tạo dáng và tu chỉnh bằng phương pháp thủ công.