Được “nâng cấp” từ Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (có hiệu lực từ 1-7-2007), song dự thảo Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở được thiết kế với tham vọng lớn hơn nhiều. Không dừng ở các quan hệ hành chính cấp xã, phường, thị trấn, dự thảo đã mở rộng thực hành dân chủ ra gần như tất cả thành tố của hệ thống chính trị, bao gồm cả các thiết chế kinh tế, đoàn thể xã hội.
Nhưng, khái niệm “cơ sở” không dễ xác định. Khác với góc nhìn địa lý hành chính (xã, phường, thị trấn…), “cơ sở” ở đây được hiểu là đối tượng thực hiện; là mắt xích cuối cùng để thực hành quyền dân chủ của nhân dân. Ở doanh nghiệp, có thể là một dây chuyền, tổ sản xuất chỉ có trên dưới chục người. Làm rõ điều này là hết sức quan trọng, vì khi phạm vi thay đổi thì đối tượng điều chỉnh cũng sẽ thay đổi.
Và tất nhiên, cốt lõi của dự luật phải là cơ chế bảo đảm cho người dân thực hiện được quyền “dân chủ” của mình - trên hết và trước hết là các quyền công dân đã được Hiến định. Phải có những quy định rất cụ thể, chứ nếu đơn thuần “ghi chép” lại các quyết tâm chính trị thì luật khó đi vào cuộc sống. Chẳng hạn, để bảo đảm quyền dân chủ được thực hiện thì những người che giấu thông tin, cố tình ngăn chặn việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Quốc hội sẽ xem xét thông qua đạo luật này trong kỳ họp tiếp theo. Xã hội kỳ vọng khi đó, luật sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội theo phương châm “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.