Đạm Phú Mỹ nhận chứng chỉ ISO-9001: 2000

Đạm Phú Mỹ nhận chứng chỉ ISO-9001: 2000

Sáng 18-8, Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí - cơ quan chủ quản của Nhà máy Đạm Phú Mỹ (thương hiệu Đạm Phú Mỹ) đón nhận chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2000  do Tổ chức Chứng nhận IQNET (Pháp) cấp.

Ông Đinh Hữu Lộc, Giám đốc công ty, cho biết: Việc xây dựng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 đã góp phần giúp cho công ty ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, đồng thời giữ vững vai trò trọng yếu của mình trong quá trình bình ổn thị trường phân bón trong nước.

Đạm Phú Mỹ nhận chứng chỉ ISO-9001: 2000 ảnh 1
Giây chuyền sản xuất phân urê của Nhà máy đạm Phú Mỹ.

Sau 10 năm kể từ khi dòng khí đốt thiên nhiên được đưa từ mỏ Bạch Hổ vào bờ, nền công nghiệp khí của nước ta bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Sức lan tỏa của nó đã tác động không nhỏ tới ngành công nghiệp năng lượng, hóa dầu và phân bón.

Việc đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một minh chứng cho sự phát triển của ngành phân bón trong quá trình tận dụng nguồn khí thiên nhiên vào chương trình sản xuất urê, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước. Cũng theo ông Đinh Hữu Lộc, với tổng vốn đầu tư lên đến 445 triệu USD, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của Tập đoàn Haldor Topsoe (Đan Mạch), Tập đoàn Snamprogetti  (Italia) và là nhà máy đầu tiên của Việt Nam sử dụng nguồn khí thiên nhiên vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhà máy hiện có 2 xưởng sản xuất chính, đó là: xưởng  amoniăc và xưởng urê. Trong đó, sản phẩm urê của Đạm Phú Mỹ có dạng hạt trong, hàm lượng nitơ đạt từ 46,3% trở lên, nên có chất lượng ngang bằng với sản phẩm ngoại nhập (đã được các cơ quan chức năng kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế), trong khi giá thành lại rẻ hơn các sản phẩm  ngoại nhập từ 5% đến 7%.
 
Hiện nay, sau một năm học tập, cùng làm việc và chuyển giao công nghệ với  các chuyên gia nước ngoài, các cán bộ kỹ thuật,  kỹ sư trẻ của công ty đã hoàn toàn làm chủ được dây chuyền sản xuất của nhà máy, tiết kiệm khoảng 5 triệu USD khi phải thuê các chuyên gia nước ngoài trong thời gian từ 3 đến 10 năm.

Nhờ đó, nhà máy luôn hoạt động ổn định, đạt 90% công suất thiết kế. đến nay, phân urê của Nhà máy Đạm Phú Mỹ đưa ra thị trường, chiếm 35% thị phần trong nước, góp phần bình ổn giá phân bón và tiết kiệm cho nhà nước mỗi năm trên 200 triệu USD do không còn phải nhập phân bón với số lượng lớn như trước đây. Điều đó cũng đồng thời giúp cho ngành phân bón nước nhà giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường thế giới, bà con nông dân nhờ vậy mà chủ động hơn trong việc canh tác, tiết kiệm được chi phí sản xuất và hạn chế tối đa tình hình giá cả phân bón leo thang.


HÙNG-QUYỀN

Tin cùng chuyên mục