Đôi bên cùng có lợi
Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình NHK, Ngoại trưởng T.Motegi cho biết, các quan chức 2 nước đã và đang tiến hành các cuộc đàm phán trên cơ sở tin tưởng nhau. Trước đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng xác nhận việc nước này và Mỹ sẽ ký Hiệp định Thương mại hàng hóa (TAG) vào tuần tới tại cuộc hội đàm giữa lãnh đạo 2 nước bên lề kỳ họp thường niên của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, diễn ra ở New York, Mỹ.
Ngoại trưởng T.Motegi, từng là Bộ trưởng đặc trách phục hồi kinh tế, đã tham gia các cuộc đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và dự kiến gặp quan chức này trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump vào tuần tới.
Dù chi tiết đầy đủ về thỏa thuận thương mại sắp tới chưa được tiết lộ, nhưng đôi bên vẫn còn bất đồng liên quan đến lĩnh vực ô tô. Ngoại trưởng T.Motegi cho biết ông muốn một văn bản cụ thể, trong đó chính phủ của Tổng thống Donald Trump cam kết không áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản. Ngành ô tô chiếm tới 75% thặng dư thương mại giữa Nhật Bản với Mỹ và nếu bị áp thuế, nền kinh tế Nhật Bản, vốn phụ thuộc vào lĩnh vực này, sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Cuối tháng 8, Mỹ và Nhật Bản xác nhận đã đạt được khung thỏa thuận lớn và thực chất về thương mại như giảm thuế đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp.
Còn nhiều gai góc
TAG là giai đoạn một trong đàm phán thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ. Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán các vấn đề được cho là “gai góc” hơn liên quan tới thương mại dịch vụ, tài chính, tiền tệ và hàng rào phi thuế quan sau khi hoàn thành TAG. Nhật Bản gần như bị Mỹ áp đặt cả chủ đề nội dung lẫn lộ trình thời gian đàm phán.
Nhật Bản cũng phải đáp ứng yêu cầu của Mỹ liên quan đến việc mở cửa thị trường Nhật Bản cho nông sản của Mỹ - sẽ vô hiệu hóa ở tác động của một số biện pháp của Trung Quốc đáp trả Mỹ trong thương chiến Mỹ và Trung Quốc, trong khi Mỹ lại chỉ mới đáp ứng có phần nào đòi hỏi hàng đầu của Nhật Bản về mở cửa thị trường Mỹ cho ô tô Nhật Bản.
Theo Bloomberg, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trương thỏa hiệp với Tổng thống Donald Trump trong chuyện này để mong được xử lý quan hệ với các nước trong khu vực Đông Bắc Á và để vươn tới tầm ảnh hưởng chính trị thế giới. Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản hiện vẫn khúc mắc với tất cả 4 nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Trong rất nhiều chuyện liên quan, Nhật Bản vẫn cần đến cái uy của Mỹ lẫn tác động của mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống với Mỹ. Đấy là cách thức chấp nhận trả giá ở chỗ này để được giá ở chỗ khác.
Trong khi đó, ông Donald Trump cần thỏa thuận thương mại này với Nhật Bản làm bằng chứng cho sự thành công của quan điểm chính sách gây xung khắc thương mại và thực thi chủ nghĩa bảo hộ thương mại của mình. Xung khắc thương mại với những đối tác lớn như Trung Quốc hay EU càng thêm quyết liệt và dai dẳng thì ông Donald Trump càng cần những kết quả cụ thể như với Nhật Bản hay với một vài đối tác trước đó. Cũng vì thế mà ông Trump không nhằm vào thỏa thuận tổng thể với Nhật Bản mà chỉ cần một thỏa thuận có giới hạn bởi chỉ như thế thì đàm phán mới có thể dễ thành công.