Tâm lý lo ngại
CNN đưa tin, trong phiên giao dịch ngày 20-3, 2 chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ là Dow Jones và S&P 500 đều có mức giảm 0,1%. Trong khi đó, ở thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số chứng khoán Shanghai composite và Hang Seng giảm lần lượt từ 0,5% - 1%.
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số chứng khoán Kospi cũng giảm 1%. Theo giới phân tích, phản ứng của thị trường chứng khoán thế giới đã phản ánh phần nào tâm lý lo ngại của giới đầu tư về vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang rơi vào thế bế tắc. Trước đó, nhiều dự báo cho rằng vòng đàm phán sẽ sớm đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 3. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều khả năng vòng đàm phán sẽ kéo dài đến cuối tháng 4 năm nay. Ngoài ra, phản ứng của thị trường tài chính cũng bị ảnh hưởng trước thông tin FED sẽ công bố việc có tăng lãi suất hay không vào cuối ngày 20-3 giờ địa phương.
Theo chương trình dự kiến, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đến Bắc Kinh từ ngày 25-3 để hội đàm với Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn đàm phán bên phía Trung Quốc Lưu Hạc.
Ông Lưu Hạc cũng đến thủ đô Washington vào tuần đầu tiên của tháng 4. Trước đó, hai bên cho biết các cuộc đàm phán đã đạt một số tiến triển, theo đó Nhà Trắng đã hoãn kế hoạch tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vòng đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, cho đến nay, giới chức 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để thực thi một thỏa thuận mới.
Phía Trung Quốc đang ám chỉ rằng Mỹ đã không đảm bảo đủ về việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, đổi lấy việc Bắc Kinh đồng ý thay đổi các quy định sở hữu trí tuệ.
Bloomberg cho biết, vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc còn xuất hiện khúc mắc mới liên quan đến 2 vụ tai nạn hàng không của máy bay Boeing 737 MAX. Máy bay Boeing vốn nằm trong danh sách sơ bộ các mặt hàng Trung Quốc sẽ mua để giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ. Tuy nhiên, lo ngại về an toàn đang khiến Trung Quốc cân nhắc nên bỏ hẳn 737 MAX khỏi danh sách hay thay thế bằng mẫu khác của Boeing. Việc này có thể khiến Trung Quốc khó hoàn thành đề xuất trước đó là thu hẹp thâm hụt thương mại lên tới hơn 300 tỷ USD với Mỹ trong vòng 6 năm. Bên cạnh đậu nành, thịt và khí đốt tự nhiên, máy bay vốn là thành phần cốt lõi trong mọi cam kết mua hàng mà Trung Quốc đề xuất với Mỹ.
Nhiều thiệt hại
Do chưa thể giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại, tổng giá trị hàng hóa bị tăng thuế của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.
Theo dự báo của Phòng Thương mại Mỹ và hãng nghiên cứu Rhodium Group, nếu cuộc chiến thuế quan giữa hai bên tiếp tục leo thang sẽ làm thiệt hại 1.000 tỷ USD đối với nền kinh tế Mỹ trong một thập niên, đặc biệt gây thiệt hại cho lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Nghiên cứu ước tính các biện pháp áp thuế sẽ khiến GDP của Mỹ thiệt hại 45-60 tỷ USD trong năm đầu tiên và con số này sẽ tăng lên khoảng 89-125 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm tiếp theo.
Tính tổng thể, kinh tế Mỹ sẽ giảm 1.000 tỷ USD so với mức tiềm năng trong vòng 10 năm do việc áp thuế. GDP của Mỹ đạt xấp xỉ 20.500 tỷ USD trong năm 2018. Nghiên cứu trên đánh giá rằng giữa lúc Mỹ và Trung Quốc hội nhập sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu và hội nhập nhất trong các lĩnh vực ICT, hai nước sẽ thiệt hại nhiều nhất về đầu tư, thương mại do các mức thuế cao được áp lên hàng hóa của nhau.