Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Dự báo khó có đột phá

Ngày 3-5, phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đã đến Trung Quốc để tham gia cuộc tham vấn thương mại với Bắc Kinh. Thị trường tài chính thế giới đã có những phản ứng trái chiều trước sự kiện này, xuất phát từ nỗi lo về nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại giữa hai bên. 

 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đến Bắc Kinh
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đến Bắc Kinh
Trung Quốc không nhượng bộ 

Theo Tân Hoa Xã, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu sẽ trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề kinh tế và thương mại là quan tâm chung của Washington và Bắc Kinh trong 2 ngày. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhận định không thể giải quyết tất cả các vấn đề phức tạp giữa 2 nước chỉ bằng một buổi tham vấn. Theo hãng tin Reuters, một quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ hoan nghênh một kết quả thành công của cuộc đàm phán thương mại sắp tới với Mỹ, nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kết quả và sẽ không đàm phán về những lợi ích cốt lõi. Quan chức này khẳng định cuộc đàm phán phải diễn ra công bằng và đôi bên cùng có lợi. Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ đe dọa thương mại nào từ Washington hay chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho cuộc đàm phán. 

Về phía Mỹ, theo giới chuyên gia, 7 quan chức cấp cao của phái đoàn Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro, Larry Kudlow, đều có quan điểm cứng rắn về các bất đồng với Trung Quốc. Theo các chuyên gia thương mại, kết quả khả quan nhất của cuộc tham vấn này là thỏa thuận tiếp tục tiến hành đối thoại song phương, còn một kết quả đột phá là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, các biện pháp trong ngắn hạn của Trung Quốc sẽ đẩy lùi thời gian ra quyết định về áp thuế của Mỹ. 

Phản ứng thị trường
 
Nhận định về quan hệ thương mại Mỹ - Trung, tờ Project Syndicate cho rằng việc Mỹ tuyên bố áp thuế lên Trung Quốc xuất phát từ việc Bắc Kinh đang trở thành đối thủ chính đối với lợi ích, sức mạnh và sự ảnh hưởng của Mỹ. Quan điểm này châm ngòi cho nguy cơ của cái gọi là “Bẫy Thucydides” - với ý nghĩa là một cường quốc lo ngại về một đối thủ đang nổi lên và dẫn tới xung đột. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế vẫn kỳ vọng rằng lời lẽ gay gắt của 2 bên sẽ giảm dần thông qua đàm phán và nhượng bộ. Sau đó, lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ có thể chuyển sự chú ý sang một vấn đề lớn hơn là tránh “Bẫy Thucydides”, từ đó ngăn chặn một sự đụng độ có thể dẫn tới cuộc chiến thương mại giữa 2 nước. Hiện rất khó để dự kiến phần tiếp theo của nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại giữa 2 bên. Phía Trung Quốc không muốn khuất phục trước những đòi hỏi của Washington và dành ưu tiên cho việc đàm phán. Bên kia, ông Donald Trump lại muốn giảm thâm hụt thương mại 100 tỷ USD của Mỹ. 

Trong khi đó, thị trường chứng khoán đã có hàng loạt phiên giảm điểm. Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên với mức giảm 0,7% xuống còn 23.924,98 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 0,7% xuống 2.635,67 điểm, giữa lúc chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,4% xuống 7.100,90 điểm. Ông Art Hogan, chuyên gia chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán Wunderlich, cho rằng bước thụt lùi trên các sàn giao dịch phản ánh tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư trước nguy cơ chiến tranh thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ và các bất ổn chính trị trong chính quyền Mỹ. 

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 3 đã giảm lần đầu tiên trong 7 tháng qua. Việc tăng xuất khẩu dầu mỏ và các mặt hàng nông nghiệp trong khi giảm mạnh nhập khẩu đã giúp thâm hụt thương mại tháng 3 của Mỹ giảm xuống 49 tỷ USD, tương đương giảm 15,2% so với tháng trước đó.   Thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm 11,5% so với tháng trước đó, xuống còn 25,8 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục