Hôm nay 7-9, các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) và Anh gặp nhau tại London trong vòng đàm phán thứ 8 nhằm bàn về thỏa thuận cho mối quan hệ tương lai giữa hai bên sau khi Anh rời EU (hậu Brexit). Tuy nhiên, cũng giống như nhiều vòng đàm phán trước, vòng đàm phán lần này được nhận định là quan trọng nhưng việc hai bên đạt được tiến triển lại không được đánh giá cao.
Lo lắng và thất vọng
Trước vòng đàm phán, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẵn sàng đối mặt với mọi kết quả đàm phán với EU về mối quan hệ giữa hai bên: “Anh đã sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào xảy ra, nhưng chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng, đến cuối năm, dù bất cứ điều gì xảy ra, chúng tôi cũng sẽ rời EU và rời khỏi giai đoạn chuyển tiếp. Chúng tôi chắc chắn sẽ vượt qua điều này. Điều quan trọng là các đối tác của chúng tôi hiểu rằng Vương quốc Anh sẽ làm những gì cần làm”. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Anh cho thấy, chính phủ Anh đã chuẩn bị cho kịch bản không thỏa thuận khi tiến trình chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31-12 tới.
Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán EU, ông Michel Barnier cho biết, ông “lo lắng và thất vọng” vì cuộc đàm phán hậu Brexit thiếu tiến triển. Ông cũng cảnh báo nếu Anh không thúc đẩy các vấn đề then chốt mà phía EU đề ra, bao gồm những yêu cầu về cơ chế giải quyết tranh chấp, thì nước này sẽ tự đẩy mình vào nguy cơ Brexit không thỏa thuận: “Hai bên phải có thỏa thuận cuối cùng vào tháng 10 nếu muốn có một mối quan hệ đối tác mới vào tháng 1-2021. Nếu không có một giải pháp lâu dài, công bằng và bền vững thì sẽ không có quan hệ đối tác kinh tế mới”.
Anh rời EU từ tháng 1 năm nay, gần 4 năm sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử đặt dấu chấm hết cho gần 50 năm quốc gia này gia nhập EU. Cuộc đàm phán trong tuần tới nhằm hướng tới ký kết một thỏa thuận đối tác mới giữa hai bên từ năm 2021 trong một loạt lĩnh vực từ thương mại và an ninh đến hợp tác trong vấn đề hạt nhân, vận tải và hàng không.
Giới chức châu Âu cho biết, cần đạt thỏa thuận trước tháng 10, tức là còn chưa đầy 1 tháng để tìm điểm chung và giải quyết bất đồng. Nếu không đạt thỏa thuận, quan hệ thương mại Anh - EU sẽ chỉ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thiết lập, theo đó các mức thuế quan sẽ cao hơn và các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn hiện nay, có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại và đầu tư ở hai bờ eo biển Manche.
Kinh tế giảm sâu
Trong bối cảnh đàm phán hậu Brexit không tiến triển, đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới khiến hoạt động thương mại ngưng trệ, nước Anh đón nhận thêm tin xấu khi kinh tế Anh rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau 11 năm. Hãng BBC dẫn nguồn từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết, GDP quý 2 của nước này giảm 20,4% so với quý trước. Trong khi đó, GDP của Mỹ và Đức giảm khoảng 10%, Italy mất 12%, Pháp 14% và Tây Ban Nha 19%. Dữ liệu công bố mới nhất cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình Anh đã giảm 23,1% trong quý 2 so với quý đầu tiên, trong khi đầu tư kinh doanh giảm gần một phần ba. Sản lượng sản xuất và dịch vụ đều giảm do các nhà máy ngừng hoạt động và doanh nghiệp đóng cửa.
Lý do kinh tế Anh giảm sâu hơn bởi nước này đã phong tỏa mọi hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 từ cuối tháng 3 và chỉ dần nới lỏng các hạn chế vào cuối tháng 5. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Anh đã đóng cửa trong hầu hết các tháng của quý hai, trong khi Đức và các nước láng giềng khác đã có thể mở cửa trở lại trước.
Trong bối cảnh suy thoái, Anh có điểm chung với các nước châu Âu khác là đã chi lớn để cố gắng giữ người lao động không mất việc. Khoảng 730.000 việc làm đã bị mất kể từ tháng 3. Tuy nhiên, khoảng 9,6 triệu nhân viên vốn có thể bị sa thải nhưng được giữ lại nhờ chương trình trợ cấp tiền lương của chính phủ. Chương trình đó sẽ kết thúc vào tháng 10. Giám đốc kho bạc Rishi Sunak cảnh báo người Anh sẽ phải mất việc nhiều hơn vào mùa thu này.