Đàm phán hạt nhân Iran có tiến triển

Vòng đàm phán mới giữa Iran và các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đang diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo. Các bên hiện tập trung thảo luận các biện pháp dỡ bỏ các lệnh cấm vận của Mỹ.

Đàm phán nhiều cấp độ

Các đại diện của Iran và Nhóm P4+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) mở vòng đàm phán thứ 8 tại Vienna từ ngày 27-12-2021, trong đó tập trung vào vấn đề dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt Tehran sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Vòng đàm phán được nối lại vào đầu năm mới 2022 và bổ sung một số yêu cầu của Iran vào tiến trình làm việc.

Các nước đã cử quan chức phụ trách phái đoàn đàm phán tham dự, đồng thời tiếp tục tổ chức các phiên tiếp xúc song phương và đa phương, đàm phán ở nhiều cấp độ và nhiều hình thức nhằm cứu vãn JCPOA.

Vấn đề kỹ thuật trên bàn đàm phán tại Vienna là cơ chế đảm bảo các bên hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận. Một vấn đề khác cũng đang được bàn luận là gỡ bỏ các lệnh trừng phạt theo cách mà Iran có thể được hưởng lợi từ việc bỏ trừng phạt một cách có hiệu quả, thực tế và có thể kiểm chứng được.

Đàm phán hạt nhân Iran có tiến triển ảnh 1 Bên trong một cơ sở sản xuất hạt nhân của Iran

Theo JCPOA được Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) ký năm 2015, Tehran hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận với lý do JCPOA còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Iran cũng thu hẹp dần các cam kết của nước này đối với thỏa thuận sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu thất bại.

Yếu tố thời gian

Nhận định về vòng đàm phán mới, Ngoại trưởng Pháp Le Drian cho rằng các bên tham gia đàm phán có thể đạt được thỏa thuận. Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp, đã có chút tiến triển trong một vài ngày qua khi các bên đang đi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, ông Le Drian cho rằng thời gian là yếu tố cốt lõi, bởi nếu các bên không nhanh chóng đạt được thỏa thuận thì sẽ không có gì để đàm phán.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng khẳng định đàm phán đang diễn ra tích cực, nhưng ông vẫn tái khẳng định lập trường của Tehran rằng tất cả các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ và Mỹ phải đưa ra các bảo đảm rằng nước này sẽ không rút khỏi JCPOA lần nào nữa.

Theo giới quan sát, dù mở ra những tiến triển, nhưng cũng không có nhiều kỳ vọng về những bước đột phá có thể đạt được trong vòng đàm phán lần này. Mâu thuẫn hiện nằm ở chỗ, các nước phương Tây luôn yêu cầu Iran loại bỏ nguy cơ hạt nhân trước khi gỡ các lệnh trừng phạt, trong khi Iran đòi hỏi ngược lại.

Các hoạt động hạt nhân của Iran vẫn diễn ra rầm rộ trong một nỗ lực rõ ràng nhằm đạt được đòn bẩy trước phương Tây. Hiện không còn nhiều thời gian để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã phát đi cảnh báo sẽ không cho phép các cuộc đàm phán hạt nhân kéo dài thêm nữa. Thời hạn chót cuối cùng để hoàn tất các vòng đàm phán này có thể vào đầu tháng 2.

Vấn đề Iran cũng đang nằm trong điểm nóng ngoại giao của Chính phủ Mỹ. Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ khôi phục JCPOA sau khi ông nhậm chức, nhưng dường như những vận động hành lang từ Israel về việc Mỹ phải có chính sách cứng rắn hơn nữa với Iran đã khiến Mỹ chần chừ trong việc ra quyết định.

Chính phủ Mỹ tuyên bố vẫn theo đuổi các chính sách ngoại giao với Iran vì đây vẫn là sự lựa chọn tốt nhất, nhưng cũng thảo luận với các đồng minh về những phương án thay thế.

Tin cùng chuyên mục