Đây là động thái báo hiệu sự tái kết nối kênh ngoại giao giữa hai bên. Iran và Mỹ đặt mục tiêu cho các cuộc đàm phán vừa qua là hướng tới một thỏa thuận ngắn hạn không chính thức, thay vì chờ đợi sự hồi sinh của thỏa thuận năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), vốn đã bị đình trệ nhiều lần.
Ông Mahjoob Zweiri, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh tại Đại học Qatar, cho rằng việc hai bên đàm phán không chính thức cho thấy chính phủ của Tổng thống Joe Biden nhiều khả năng không muốn “nhượng bộ Iran”, đặc biệt là trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Do đó, một thỏa thuận ngắn hạn sẽ tốt cho hai bên, đồng thời xoa dịu tình hình.
Một thỏa thuận mang tính tạm thời cũng không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, vốn chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến phản đối, nhất là từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Mặt khác, một thỏa thuận nếu có cũng có thể giúp Washington và đồng minh châu Âu kiềm chế, không thúc đẩy bất kỳ nghị quyết trừng phạt nào khác chống lại Iran. Iran cũng có thể hy vọng Mỹ sẽ giải phóng tài sản trị giá hàng tỷ USD của nước này bị phong tỏa bằng cách sử dụng biện pháp miễn trừ trừng phạt với điều khoản quy định chúng chỉ được sử dụng cho mục đích nhân đạo.
Và nếu Mỹ đồng ý chấm dứt việc phong tỏa một phần tài sản kinh tế của Iran, 3 công dân người Mỹ gốc Iran cũng có thể được trả tự do. Việc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran có mặt tại Doha vào đầu tuần này là chỉ dấu cho thấy Qatar có thể tham gia vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này.
Thông tin về các cuộc đàm phán được tiết lộ trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy Washington tạm hài lòng với việc mức độ làm giàu uranium của Iran ở hiện tại.
Theo tờ New York Times, Mỹ đang yêu cầu Iran không làm giàu uranium đến độ tinh khiết hơn 60%. Iran đã tăng cường hoạt động hạt nhân kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA với lập luận rằng đó không phải là hành động vi phạm thỏa thuận.