Về quê khởi nghiệp
Đầu năm 2017, cô nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm của Tập đoàn Samsung Mai Thị Thùy Trang nộp đơn xin nghỉ việc khiến nhiều người ngạc nhiên. Cô đã phải phấn đấu 12 năm mới ổn định được việc làm mơ ước, lương tháng hơn 25 triệu đồng, chồng con, nhà cửa ổn định ở gần nơi làm việc (quận Thủ Đức, TPHCM).
Khi biết cô muốn khởi nghiệp phát triển thủy sản sinh thái dưới tán rừng ngập mặn ở quê nhà Cà Mau, cán bộ quản lý đã đề nghị cô nghỉ việc 6 tháng không hưởng lương, nếu khởi nghiệp thất bại mời trở lại vị trí cũ.
“Thấy quê hương giàu tiềm năng thủy sản sinh thái nhưng vẫn nghèo nên buồn lắm. Theo tôi, nguyên nhân là sản xuất không theo quy trình tiên tiến. Tôi muốn góp một phần nhỏ vào việc thay đổi quy trình sản xuất ở quê”, Trang bộc bạch.
Cô dầm mình vào rừng đước ngập mặn của gia đình, tập trung nuôi tôm, cua và các thủy sản tự nhiên khác. Thủy sản được Trang nuôi dưới tán rừng đước hoàn toàn tự nhiên, theo các tiêu chuẩn hữu cơ, tuyệt đối không dùng kháng sinh, hóa chất. Chăm sóc tự nhiên và thu hoạch theo con nước một tháng hai lần, mùa nào thủy sản nấy. Trong khu rừng của gia đình, Trang thuê 4 người thu hoạch.
“Nhưng mùa tôm đẻ vào tháng 7 và 8 hàng năm sẽ không thu hoạch mà bảo vệ môi trường cho tôm sinh sản”, Trang nói.
tại Cần Thơ
Nuôi được con tôm sinh thái nhưng khi phát triển sản phẩm, chẳng hạn như chả tôm thì ngoài nguyên liệu tôm cần có thêm lòng trắng trứng và rau gia vị.
Nuôi dưới tán rừng tự nhiên, thế nhưng, chả tôm đem kiểm nghiệm trước khi đưa vào siêu thị lại xuất hiện kháng sinh, dù tỷ lệ rất nhỏ. Trang tốn 12 triệu đồng để xét nghiệm từng thành phần nguyên liệu, rà soát chi li các khâu sản xuất, cuối cùng phát hiện kháng sinh có trong lòng trắng trứng gà. Cô liền chuyển sang dùng lòng trắng trứng vịt nuôi dưới tán rừng, không còn kháng sinh và chả tôm thêm độ giòn ngon.
Quy trình sản xuất còn bị ảnh hưởng vì tình trạng cúp điện luân phiên. Trang làm việc với điện lực địa phương để được không cúp điện vào dịp con nước cho thu hoạch tôm. Những ngày đó, nhân viên của Trang tập trung thu hoạch và chế biến rồi chuyển ngay lên tủ đông lạnh ở Thủ Đức.
Trang cho hay: “Ông xã của tôi làm nghề điện lạnh nhưng tủ đông lạnh lại phải nhờ một chuyên gia Hàn Quốc của Samsung giúp cho, đảm bảo thủy sản cất trữ không biến đổi chất lượng. Có sản phẩm chất lượng rồi lại phải thiết kế bao bì chuyên nghiệp, hấp dẫn, thân thiện với môi trường mới đưa vô được hệ thống siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài.
Giữa năm 2018, thêm 2 hộ láng giềng đã cùng tham gia làm thủy sản sinh thái. Sau đó, Hợp tác xã Tài Thịnh Phát đã ra đời với diện tích 55ha rừng. Sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu là tôm khô và 13 sản phẩm khác là tôm đông lạnh, cua và cá tươi, chế biến. Trong đó, cá chẽm tươi đã được cung cấp cho một trường học quốc tế ở TPHCM.
Cá chẽm của Hợp tác xã Tài Thịnh Phát chứng minh được chất lượng an toàn thực phẩm nên trường học đã quyết định thay thế cá hồi nhập khẩu trước đây.
“Doanh thu hàng tháng của hợp tác xã hiện nay là 700 - 800 triệu đồng. Sản lượng đang rất ít so với nhu cầu của thị trường. Ở quê, đã có 20 hộ với hơn 100ha rừng đăng ký tham gia hợp tác xã. Hy vọng hợp tác xã sẽ không ngừng phát triển”, Trang tươi cười cho biết.
Vợ chồng cùng sáng tạo
Vùng đất lúa - tôm ở ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nhiều năm nay nổi tiếng với Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê của Giám đốc Mã Văn Hồng. Ông Hồng gần 50 tuổi, dáng dong dỏng cao, nước da rám nắng, nụ cười cởi mở, phóng khoáng của con người vùng đất cực Nam.
Ông Hồng kể về quá trình ra đời của Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê: Năm 2009 câu lạc bộ khoa học kỹ thuật được thành lập để liên kết sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng tốt. Dần dần, câu lạc bộ phát triển con tôm trở thành sản phẩm chính, từ đó ra đời hợp tác xã vào năm 2014.
Hợp tác xã nay có 73 thành viên với 83ha lúa - tôm, một năm trồng một vụ lúa vào mùa mưa, còn lại nuôi tôm. Trước đây chỉ nuôi tôm sú, gần đây nuôi cả tôm thẻ chân trắng, thêm cá rô phi, cá trắm cỏ và không dùng thuốc hóa học, kháng sinh trong canh tác lúa và nuôi tôm, cá.
Từ hồi canh tác lúa - tôm theo quy trình VietGAP, hợp tác xã luôn đạt hiệu quả kinh tế, không năm nào thất bát dù có năm thời tiết bất lợi và giá cả giảm. Mấy năm gần đây, mỗi năm hợp tác xã thu hơn 200 tấn tôm, 60 tấn lúa, 50 tấn cá rô phi và nhiều cá trắm cỏ. Năm 2019, giá tôm thấp kéo dài, hợp tác xã giảm diện tích nuôi nhưng cũng thu hoạch được 170 tấn.
“Từ năm 2018, hợp tác xã thành lập nhóm sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng để chế biến những thủy sản phụ thường bỏ phí, đã tăng thêm thu nhập, như chế biến cá rô phi, đưa giá mỗi ký cá rô phi trước đây từ 4.000 - 5.000 đồng lên 13.000 đồng hiện nay”, ông Hồng cho biết.
Trưởng nhóm sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng là vợ của ông Hồng - bà Huỳnh Thị Ly. Bà Ly bày tỏ: “Vợ chồng tôi làm được cũng nhờ Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) của Hội Nghề cá Việt Nam. Trung tâm hỗ trợ đi đây đó để mở rộng tầm mắt và còn hướng dẫn cho cách bảo quản sản phẩm. Lúc đầu, chúng tôi xay cá rô phi làm chả ăn trong nội bộ thấy ngon, dần dần phát triển nhiều sản phẩm bán ra ngoài”.
Sản phẩm giá trị gia tăng từ con cá rô phi của hợp tác xã hiện nay có chả, khô, chà bông; từ con tôm có muối tôm, bánh phồng tôm; từ cá trắm cỏ có ướp lạnh và tươi sống; thêm kẹo chuối từ chuối trồng trên bờ ruộng. Để có vốn, bà Ly vận động chị em trong hợp tác xã đóng góp cổ phần, đến nay đã có 51 cổ phần.
“Chúng tôi chia lãi theo quý. Tạo việc làm thường xuyên cho gần chục người, lãi tăng gấp đôi vào rộ mùa. Chị em phấn khởi lắm”, bà Ly vui vẻ nói.
Có thêm sản phẩm giá trị gia tăng, vợ chồng ông Hồng lại trực tiếp đem đi giới thiệu gần xa. Ông kể, đem sản phẩm ra Hà Nội phải gửi xe quá gian nan. Để đưa hàng từ Sóc Trăng ra Hà Nội phải qua mấy chặng xe, có lúc không biết đâu mà lần vì chủ xe tắt điện thoại, kho trung chuyển nằm trong hẻm hóc, chỉ biết giao hàng cho lái xe mà không có biên nhận, nhờ trời hàng cũng đến nơi. Sau những gian nan, Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê đã liên kết được với 2 hợp tác xã ở Hà Nội và Quảng Ninh để trao đổi hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm cho nhau.
“Bước đầu liên kết, sản lượng chưa nhiều, nhưng đã mở thêm niềm hy vọng thủy sản sinh thái ĐBSCL sẽ đến được nhiều với bà con ở mọi miền đất nước”, ông Hồng bày tỏ.