Có những người thầy cô giáo như người lái đò cần mẫn đưa hết lớp người này đến lớp người khác qua “sông”- “Con sông đời”, rồi con sông ấy cứ quấn lấy họ suốt đời…
Một buổi chiều tôi nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo, cầm máy lên phía đầu dây bên kia là một giọng rất nhẹ nhàng, lịch sự: “Chào thầy, tôi là Trương Minh Châu, Hội Cựu giáo chức quận, thầy có rảnh xin cho chúng tôi được gặp thầy…”. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng nói đến Hội Cựu giáo chức thì tôi đồng ý ngay, vì nghĩ rằng bây giờ mình cũng thành cựu giáo chức rồi.
Văn phòng của hội nhỏ, khiêm tốn nằm trong khuôn viên của Phòng Giáo dục quận Gò Vấp, TPHCM, lúc tôi tới đã có mấy người lớn tuổi chờ sẵn và họ xưng hô với nhau bằng “thầy” bằng “cô”. Không khí khá nghiêm túc nhưng ấm cúng. Qua giới thiệu, tôi biết ông là Trương Minh Châu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức quận Gò Vấp, người đã gọi điện cho tôi và mấy thành viên trong ban thường vụ quận hội. Nguyện vọng của nhiều thầy cô giáo đã nghỉ hưu trong quận muốn thành lập một câu lạc bộ thơ ca…
Tôi muốn nói về những nhà giáo đã được nghỉ hưu mà không muốn nghỉ. Thầy Châu là một trong số những người như thế. Trước năm 1975, ông là giáo viên Trường phổ thông cấp 2-3 Tản Đà (Tây Sơn). Sau đó, ông dạy ở Trường An Nhơn 2, rồi về Phòng Giáo dục quận Gò Vấp làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, tham gia hội thẩm nhân dân ở tòa án, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc quận… Về hưu, ông làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cho đến nay. Trên bức tường của nhà ông, tôi thấy treo rất nhiều huy chương, kỷ niệm chương về sự nghiệp đoàn kết dân tộc, vì sự phát triển của nghành giáo dục, ngành tòa án…; các bằng khen của thành phố, của Bộ GD-ĐT và của Thủ tướng Chính phủ… đều ghi tên ông.
Chưa thấy một ông chủ tịch hội nào cần mẫn, miệt mài và chịu khó lo toan cho hội như ông. Mỗi cuộc họp, sinh hoạt chi hội cựu giáo chức các phường đều có mặt ông. Ông đoàn kết và thống nhất được ý chí từ ban thường vụ, ban chấp hành quận hội đến từng hội viên chi hội. Ông đưa hơi ấm và an ủi của hội đến từng người. Ông hiền lành, chỉn chu và giản dị, nhưng ở ông có một sức thu hút kỳ lạ. Đã vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi nhưng ông rất năng nổ và thường xuyên tổ chức cho hội nhiều hoạt động vui, bổ ích như tham quan, nghỉ dưỡng, văn nghệ, thơ ca…, làm cho cuộc sống tinh thần của những thầy cô lớn tuổi vui vẻ hẳn lên. Họ được tập hợp lại như một gia đình đầm ấm. CLB thơ ca ra đời, hội viên tới ngày càng đông, trong đó có nhiều thầy cô là hội viên Hội Nhà văn TPHCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, căn phòng của hội trở nên chật chội. Thầy Trương Minh Châu không bỏ sót buổi nào. Ông đến sớm, mở cửa, tự vệ sinh bàn ghế…, rồi bỏ tiền túi ra mua nước cho anh em uống… Vào giờ sinh hoạt, ông chọn một chỗ ngồi khiêm tốn và chăm chú nghe đọc thơ, ngâm thơ và các bài ca hoài niệm về nghề giáo một thời. Ông cũng là người về sau cùng.
Mỗi năm đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, công việc của ông ngổn ngang, từ tổ chức lễ hội, kỷ niệm, đến thăm hỏi các thầy cô giáo già cả neo đơn, khen thưởng người có công với hội, chi hội và cộng đồng, ra tạp chí tập san chào mừng… Những điều đó không dễ người nào cũng làm được.
Dẫu cho hôm nay còn nhiều điều phải bàn, phải chỉnh sửa, khắc phục về giáo dục, về dạy và học, nhưng tôi nghĩ rằng, chính môi trường giáo dục chân chính đã tạo ra những người thầy, người cô chân chính, mà trái tim họ đã đắm đuối với nghề nghiệp. Rồi chính những thầy giáo, cô giáo ấy lại tô thắm thêm cho bức tranh giáo dục, xứng đáng với truyền thống cha ông ngàn xưa để lại.