Chị kể, cách 4-5 năm, gia đình chị lâm vào cảnh túng quẫn, cùng cực. Gần đến tết mà trong nhà không có tới 100.000 đồng.
Ngày tảo mộ, vợ chồng chị lên nghĩa trang viếng mộ ông bà. Chị sắm sửa bông, trái cây, nhang đèn (mỗi thứ một ít) để cúng mộ. Trên đường về, chồng chị bảo, lệ thường, khi đi tảo mộ xong phải nấu mâm cơm cúng ông bà mới đúng lễ. Anh chị vét hết túi chỉ còn đúng 40.000 đồng.
Ngồi sau xe chồng, chị nhẩm tính, tệ lắm cũng phải có 3-4 món cúng mới đủ lễ. Chị bảo chồng ghé chợ. Phải có thịt, cá, rau, phải có món canh, món mặn, món xào thì mới ra mâm cơm cúng, chị nghĩ.
Mua miếng thịt ba rọi 15.000 đồng, một con cá khoảng 200gr mất 10.000 đồng, còn 15.000 đồng chị mua dưa cải, cà chua và măng luộc.
Về nhà, chị xắt nhỏ một nửa miếng thịt kho. Còn một nửa, phần xào với măng, phần để làm món thịt luộc. Con cá, chị cắt làm hai, nửa đầu nấu canh, nửa đuôi chiên. Sau khi làm xong các món kho, luộc, xào và nấu xong món canh chua dưa cải với cà chua, chị dọn cơm lên cúng.
Cả nhà kinh ngạc, vì mâm cơm cúng nhìn rất bắt mắt. Tô canh chua bốc mùi ngò gai, rau om, rực rỡ với màu vàng của dưa cải, màu cam của cà chua, màu đỏ của ớt và màu xanh của rau nêm. Đĩa măng xào cũng hấp dẫn với những sợi măng vàng ươm, xen với những lát thịt ba chỉ và thơm phức với hành, tiêu xay. Món thịt kho nâu sẫm, thơm lừng, dậy mùi hành tiêu. Đĩa cá chiên cũng vàng rộm bên cạnh đĩa thịt luộc bé bé xinh xinh, thêm chén nước mắm với những lát ớt xanh xanh đỏ đỏ nhìn đã thấy thèm…
Vậy đó, không cần phải phú quý, khi người ta có tấm lòng thì chỉ cần sự khéo tay, một chút tính toán hợp lý là đã có cách thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa với người đã khuất. Tôi lấy câu chuyện của chị để dạy dỗ các con mình, dù có nhiều tiền nhưng mua sắm vung tay, thừa mứa mà không thành tâm thì cũng vô nghĩa. Nấu một mâm cơm cúng, điều quan trọng là cần có những “gia vị” phù hợp: Một chút lòng tưởng nhớ, một chút sự biết ơn và thành tâm dâng cúng người đã khuất thì giá trị mâm cơm được tăng lên rất nhiều…