Tuy nhiên, sự kiện này cũng tác động tiêu cực tới thương mại Việt Nam với nguy cơ cao về gian lận thương mại qua xuất xứ hàng hóa, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, hay việc khai sai, áp sai mã số hàng hóa để gian lận trị giá hải quan… Thực hiện cơ chế xác định trước xuất xứ hàng hóa được xem là giải pháp cấp bách hiện nay để giảm rủi ro cho DN.
Cần sớm thực hiện cơ chế xác định trước xuất xứ hàng hóa
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam, bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nguyên liệu lớn nhất, còn Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa hàng đầu của Việt Nam. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc vào Mỹ lại khá tương đồng nhau. Cụ thể, trong tổng số 38 nhóm mặt hàng mà Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế mới, có tới 23 nhóm mặt hàng tương tự với Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận và trở thành nguồn cung thay thế Trung Quốc tại Mỹ, nhưng đồng thời những ngành hàng này cũng là đối tượng chịu rủi ro chuyển tải, gian lận lớn nhất từ các DN Trung Quốc. Trong khi đó, số liệu thống kê của Cục Hải quan TPHCM cho thấy, sau 4 năm kể từ khi cơ chế xác định trước được triển khai, Cục Hải quan TPHCM mới ghi nhận hơn 170 trường hợp áp dụng. Nguyên nhân là do các DN chưa thật sự quan tâm và hiểu được lợi ích mà cơ chế này mang lại.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TPHCM, để hạn chế những rủi ro khi xuất khẩu, các DN Việt Nam cần tỉnh táo lựa chọn giữa cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của mình sang Mỹ hay làm trung gian cho hàng hóa Trung Quốc gắn mác Việt Nam. Để bảo vệ chính mình và cả nền kinh tế Việt Nam, các DN cần chủ động thực hiện cơ chế xác định trước xuất xứ hàng hóa hoặc nhờ tham vấn từ các cơ quan nhà nước. Các DN xuất khẩu cần nắm bắt nhanh cơ hội này; xác định trách nhiệm, cập nhật các quy định mới về thủ tục hải quan và quy tắc, điều kiện áp dụng xác định trước mã số, xuất xứ và trị giá; tuân thủ các quy định về hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tích cực phổ biến tiêu chí về công nhận xuất xứ hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu qua biên giới với các mặt hàng bán thành phẩm, trường hợp tạm nhập tái xuất.
Chủ động phòng ngừa giảm rủi ro
Ngành hải quan cũng cảnh báo, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành địa điểm thực hiện gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc né tránh việc áp thuế cao từ Mỹ. Cơ chế xác định trước xuất xứ hàng hóa cho phép DN xác định trước về mã số hàng hóa, xuất xứ và trị giá hải quan, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả DN và cơ quan hải quan. Cụ thể, xác định trước mã số hàng hóa sẽ hạn chế phát sinh việc tranh cãi giữa người khai hải quan và công chức hải quan về chức năng, công năng của hàng hóa. Việc xác định trước trị giá hải quan giúp DN ước tính trước số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan. Đặc biệt, với các DN có mức độ tuân thủ pháp luật tốt, thường xuyên xuất khẩu, nhập khẩu một mặt hàng nhất định, cơ quan hải quan cho phép sử dụng kết quả định giá hải quan cho những lô hàng tương tự tiếp theo, giúp rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí làm thủ tục thông quan cho DN.
Trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cơ hội sẽ đến với các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, khi mà thị trường gia công chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác để tránh bị áp mức thuế cao. Vấn đề này đã xảy ra trong thời gian gần đây với các mặt hàng ngành dệt may, giày dép, đồ nội thất và hàng tiêu dùng, trong tương lai có thể xảy ra với các ngành có giá trị cao hơn như điện tử, công nghiệp và ô tô... Để phòng ngừa rủi ro, DN Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các thông tin về thị trường Mỹ, các quy định về chất lượng sản phẩm, bao bì, vệ sinh an toàn, môi trường… cho từng loại mặt hàng cụ thể. Ông Robert Thommen, đại diện Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ, cũng chia sẻ các biện pháp chống gian lận thương mại như chống trợ cấp, chống bán phá giá đang được áp dụng ngày càng nhiều tại Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc, Mỹ càng kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các nguy cơ hàng hóa Trung Quốc chuyển tải sang nước thứ ba. Do đó, DN Việt Nam cần chủ động phòng ngừa rủi ro thông qua thực hiện cơ chế xác định trước, đặc biệt phải am hiểu và tuân thủ tốt các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm duy trì tốt quan hệ thương mại với thị trường Mỹ trong dài hạn.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), hiện một số thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp để bảo vệ những mặt hàng được sản xuất trong nước. Tại Việt Nam, đến hết 11-2018 đã có 19 vụ điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu. Các mặt hàng bị điều tra nhiều nhất là sắt, thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử… Ngoài ra, hiện một số mặt hàng xuất khẩu khác đang đứng trước nguy cơ bị điều tra là ván ép xuất sang Mỹ, lốp xe tải và xe khách xuất sang EU. |