Đảm bảo vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông trọng điểm tại Đồng Nai

Ngày 7-2, tại TP Biên Hòa, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội nghị thống nhất giải pháp đảm bảo vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ TN- MT, Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai và các chủ đầu tư, nhà thầu, chủ mỏ khoáng sản.

Theo báo cáo, Đồng Nai có 44 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, trữ lượng đá xây dựng còn lại gần 294 triệu m3, công suất khai thác 22,7 triệu m3/năm; cát xây dựng trữ lượng còn lại là 3,6 triệu m3, công suất khai thác 0,5 triệu m3/năm; vật liệu san lấp trữ lượng còn lại 0,8 triệu m3, công suất khai thác 0,06 triệu m3/năm.

Hiện tỉnh có khả năng cân đối nhu cầu đá và vật liệu san lấp; riêng với cát san lấp, đề nghị Bộ TN-MT nghiên cứu, hỗ trợ tỉnh thêm nguồn từ các tỉnh Tây Nam bộ. Tỉnh có 32 mỏ đá xây dựng được cấp phép nhưng có 25 mỏ đá xây dựng đang vướng các thủ tục liên quan đến việc cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nên kiến nghị Bộ TN-MT có hướng dẫn, tháo gỡ.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, toàn bộ dự án trọng điểm trong khu vực cũng như trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang trong giai đoạn cao điểm về tiến độ nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2025, nên nhu cầu về đá xây dựng tăng đột biến...

Năm 2025, Dự án sân bay Long Thành có nhu cầu đá xây dựng khoảng 4,7 triệu m3, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần khoảng 1,2 triệu m3, dự án đường Vành đai 3 - TPHCM cần khoảng 2,3 triệu m3, trong khi năng lực cung cấp hiện tại của các mỏ không đáp ứng yêu cầu.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy đề nghị các nhà thầu thi công các dự án và doanh nghiệp khai thác khoáng sản xác định, đánh giá rõ cung cầu từ hai phía; đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu xác định nhu cầu cụ thể của từng loại vật liệu đối với các công trình, lập biểu mẫu chi tiết cho từng chủng loại để đề xuất nhu cầu tiếp cận các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tin cùng chuyên mục